Bánh ướt lòng gà có nguồn gốc từ thành phố Đà Lạt, món ăn này mang lại hương vị mới lạ cho đa phần thực khách đến với thành phố ngàn hoa.

Ngày mưa gió, hãy thay đổi thực đơn bữa ăn gia đình bằng món bánh ướt đặc biệt này.

Ngày mưa gió, hãy thay đổi thực đơn bữa ăn gia đình bằng món bánh ướt lòng gà - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên liệu và cách làm bánh ướt lòng gà

Nguyên liệu

Nguyên liệu cho món bánh ướt lòng gà đơn giản, dễ tìm. Tuy nhiên cần mua ở những nơi uy tín, cửa hàng thực phẩm sạch để đảm bảo an toàn sức khỏe.

1 cái đùi gà

1 bộ lòng gà

300 gram trứng gà non

1 quả tim, gan, cật heo

200 gram bột gạo

70 gram bột năng

Nước lọc, nước đá

Gia vị: đường, bột ngọt, muối, nước mắm, tiêu, dầu ăn

Rau củ: 1 nắm rau răm, 1 củ hành tây, chanh, tỏi, ớt sừng, rau quế

Cách làm

Bước 1: Pha chế bột bánh ướt

Rây mịn bột gạo và bột năng rồi trộn đều với 0,5 muỗng cà phê muối. Sau đó, thêm vào 700ml nước lọc, khuấy đều rồi ngâm trong vòng 2 tiếng. Đợi trong nửa giờ, múc bỏ bớt phần nước bên trên, sau đó thêm vào 1 lượng nước mới tương đương với lượng nước bỏ đi.

Quan sát đợi bột lắng xuống và lặp lại công đoạn chắt nước. Thực hiện công đoạn chắt nước khoảng 4 -5 lần thì có thể dùng bột đem tráng.

Pha chế bột bánh ướt - Ảnh minh họa: Internet

Bước 2: Rửa nguyên liệu

Cho tim, gan, cật heo, lòng gà vào một cái tô, thêm một ít rượu trắng và vài lát gừng; ngâm trong 10 phút để khử mùi hôi tanh. Sau đó, chà nhẹ nhẹ cho sạch nhớt và khử hoàn toàn mùi tanh rồi rửa sạch bằng nước lạnh.

Nếu không có rượu, có thể khử mùi hôi tanh bằng cách chà sát tim, cật heo với muối hạt.

Khử mùi tanh của lòng bằng rượu hoặc muối hạt - Ảnh minh họa: Internet

Rửa sạch rau củ. Sau đó, hành tây cắt khoanh mỏng bỏ ngay vào tô nước đá, ớt sừng xắt lát, chanh vắt lấy nước cốt, tỏi xắt nhỏ.

Rau củ xắt nhỏ - Ảnh minh họa: Internet

Bước 3: Luộc nguyên liệu

Luộc chín phần tim, gan cật heo cùng đùi gà, lòng gà và trứng gà non rồi xé thành miếng cho vừa ăn, trứng gà non lấy ra để riêng. Lưu ý không nên luộc quá lâu sẽ làm món ăn mất độ ngọt tự nhiên và bị dai. Hơn nữa, trứng gà non rất mau chín nên cho vào sau cùng để không bị nát.

Bước 4: Pha chế nước chấm.

Cho 2 muỗng canh nước lạnh vào tô cùng 1 muỗng canh nước mắm, nước cốt chanh, 3 muỗng cà phê đường cùng tỏi ớt đã xắt nhỏ. Sau đó khuấy đều tay đến khi đường tan.

Trong món bánh ướt lòng gà có khâu trộn gỏi để ăn chung với bánh ướt. Một trong những bí quyết để nước chấm tôn lên hương vị món gỏi chính là: khi gỏi trộn tương đối chua thì nước chấm phải làm ngọt hơn một xíu và ngược lại.

Nước chấm món bánh ướt lòng gà - Ảnh minh họa: Internet

Bước 5: Trộn nguyên liệu

Cho lòng, đùi gà đã xé sợi cùng hành tây cắt khoanh mỏng và rau răm vào 1 cái tô lớn. Thêm 0,5 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, 0,5 muỗng cà phê bột ngọt, 1 ít tiêu xay, 1 muỗng canh nước mắm, nước cốt 0,5 trái chanh rồi trộn đều.

Bước 6: Tráng bánh ướt

Đặt 1 cái chảo chống dính lên trên bếp, phết 1 lớp dầu ăn rồi múc 1 vá bột cho vào, vặn lửa vừa tới khi bánh cuốn trong và đặc lại là được. Lưu ý nên tráng mỏng và đều tay để bánh không bị chỗ dày chỗ mỏng.

Phải làm bánh ướt sau cùng để giữ được độ nóng cho món ăn. Có thể mua bánh ở nơi uy tín, chất lượng để tiết kiệm thời gian và tiện lợi hơn. Khi mua về phải giữ sao cho bánh còn nóng đến khi ăn.

Bước 7: Trình bày món ăn

Bánh ướt cắt nhỏ vừa ăn rồi xếp vào một cái tô. Sau đó, cho nguyên liệu đã trộn lên trên, ăn kèm với nước chấm. Sự kết hợp nguyên liệu trong món bánh ướt lòng gà tạo nên hương vị khác lạ mà khó quên. 

Ngày mưa gió ăn bánh ướt lòng gà. Sự kết hợp nguyên liệu tạo nên hương vị khác lạ mà khó quên - Ảnh minh họa: Internet