Cuối năm, trước khi đưa xe đi đăng kiểm, nhiều người đã chủ động “dò” phạt nguội trước. Đáng chú ý, nhiều người dân bất ngờ phát hiện 5-7 lỗi phạt nguội, các lỗi phạt này đều có hình phạt bổ sung là tước bằng lái xe.

Theo đó, nhiều người thắc mắc đối với phạt tiền thì gộp lại còn đối với việc tước giấy phép lái xe (GPLX) thì sẽ như thế nào?

Một chủ xe "dò" phạt nguội và phát hiện ra 5 lỗi vi phạm giao thông. Ảnh: TN

Trao đổi với PLO, luật sư Trần Văn Giới, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết tại Khoản 2 Điều 81 Nghị định số 100/2019 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021) quy định về việc áp dụng hình thức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt trong cùng một lần như sau:

"Trường hợp một cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt trong cùng một lần thì giải quyết như sau: Bị xử phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm, nếu hành vi vi phạm đó có quy định tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ hành nghề thì chỉ bị tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ hành nghề 1 lần với thời hạn tước là mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng đối với hành vi có thời hạn tước dài nhất"- luật sư Giới cho hay.

Cũng theo luật sư Giới, theo quy định trên thì người dân khi đi đăng kiểm mới phát hiện ra nhiều lỗi phạt nguội và các lỗi phạt này đều có hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX. Khi đó, người vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX 1 lần với thời hạn tước là mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng đối với hành vi có thời hạn tước dài nhất.

“Ví dụ người dân khi đi đăng kiểm phát hiện 3 lỗi vi phạm phạt nguội đều có hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX. Trong đó lỗi vi phạm thứ nhất tước từ 1-3 tháng, lỗi vi phạm thứ 2 tước từ 5-7 tháng, lỗi vi phạm thứ 3 tước từ 22-24 tháng, trong trường hợp này đối chiếu quy định nêu trên thì người vi phạm sẽ bị tước GPLX một lần với thời hạn tước là 24 tháng bằng với mức cao nhất của lỗi vi phạm thứ 3”- luật sư Giới nói thêm.