Hiện tại, béo phì là căn bệnh phổ biến và có tỷ lệ tăng ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở trẻ. Theo đó, bệnh được hiểu là do tình trạng tích tụ quá nhiều mỡ khiến tỷ lệ cân nặng và chiều cao không còn cân đối.

Béo phì không chỉ gây khó khăn trong việc vận động mà còn có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nhau, gây nguy hại đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Chính vì thế, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin về bệnh béo phì ở trẻ để phụ huynh có thể tham khảo.

Nguyên nhân của bệnh béo phì ở trẻ

Ép trẻ ăn quá nhiều chất béo, tinh bột và đường là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng béo phì ở trẻ. Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân đầu tiên và chiếm tỉ lệ khá cao là do di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị béo phì thì con khi sinh ra có khả năng mắc bệnh này cao hơn nhiều lần so với trẻ bình thường. Ngoài ra, cũng có thể do khẩu phần ăn không hợp lý khi bố mẹ cho con hấp thụ quá nhiều chất béo, tinh bột, đường làm gia tăng việc hấp thụ mỡ thừa.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng nữa là do lối sống lười- vận động, ít hoạt động thể lực dẫn tới sự tồn đọng các chất sinh nhiệt lượng carburants, tích lại dưới dạng các khối mỡ. Theo đó, nếu trẻ thường chỉ nằm nhà xem tivi, chơi điện tử và không hoạt động sẽ có nguy cơ béo phì rất cao.

Một nguyên nhân nữa nhưng lại rất ít gặp là do các căn bệnh về nội tiết như sự hoạt động không tốt của các tuyến thượng thận hoặc tuyến giáp, hội chứng di truyền về nội tiết có tên là Prader-Willi. Ngoài ra, béo phì còn có thể do thiểu năng sinh dục hoặc do dùng thuốc corticoid kéo dài.

Hậu quả khôn lường của béo phì ở trẻ

Béo phì ở trẻ có thể dẫn tới nhiều căn bệnh nguy hiểm về đường tim mạch, hô hấp, tiểu đường,... Ảnh minh họa: Internet

Tùy theo mức độ, béo phì sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần cũng như sự phát triển của trẻ trong tương lai. Đầu tiên, có thể nói tới là những bất lợi về tâm lý và xã hội, trẻ quá béo có thể chịu những "cái nhìn" thiếu thiện cảm từ những người xung quanh và dẫn tới sự khó chịu, bất ổn về tâm lý ở trẻ.

Không chỉ vậy, trẻ mắc bệnh béo phì sẽ thường chậm chạp hơn các trẻ khác cả về hoạt động thể chất và học tập. Cơ thể nặng nề cũng khiến trẻ lười nhác, chán nản và mệt mỏi. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập của trẻ.

Ngoài ra, khi trưởng thành, trẻ sẽ gặp các vấn đề liên quan đến sự rối loạn lipid, kèm theo các triệu chứng như: Tăng cholesterol, mỡ máu cao, tiểu đường,... Đồng thời, còn dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Hội chứng tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, hô hấp,...