Trong hơn hai ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin bệnh nhân (BN) Nguyễn Duy Hưng (19 tuổi, ngụ Đồng Nai) mắc viêm tụy cấp và tử vong do bác sĩ tắc trách. Thông tin được lan truyền từ chia sẻ trên trang cá nhân của mẹ BN. 

Theo đó, mẹ BN chia sẻ nhiều thông tin như: BN được cấp cứu bằng cách truyền nước biển giá 11.000 đồng; BV để BN nằm ngoài hành lang BV; BV cấp cứu qua loa, khi người nhà kêu gào van xin mới được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu; BN phải đóng rất nhiều tiền (mỗi ngày ít nhất 30 triệu đồng) nhưng BN không được lọc máu; máy móc, trang thiết bị BV rất cũ kĩ; người nhà BN yêu cầu BV cấp tóm tắt bệnh án bằng tiếng anh để đưa con sang Mỹ nhưng không được đáp ứng; tóm tắt bệnh án chỉ dài 1 trang giấy A4...

Tham gia điều trị cho BN bao gồm toàn BS đầu ngành, máy móc hiện đại

Liên quan đến vụ việc gây xôn xao cộng đồng mạng nói trên, ngày 14/9, BV Chợ Rẫy đã tổ chức họp báo để thông tin cụ thể về trường hợp BN Nguyễn Duy Hưng. Theo đó, PGS. TS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, BN tử vong do bệnh lý viêm tụy cấp hoại tử. Bác sĩ BV đã nỗ lực hết sức, các quy trình tiếp nhận, điều trị, hội chẩn…. thực hiện đều chặt chẽ, đúng quy trình.

"Chúng tôi xin chia sẻ nỗi đau, mất mát của gia đình. BN Hưng thuộc thể viêm tụy xuất huyết hoại tử nặng từ ban đầu. Tại Đồng Nai đã xác định bệnh nặng, chuyển lên Chợ Rẫy. Tập thể các bác sĩ (BS) tham gia điều trị cho bệnh nhân bao gồm toàn BS đầu ngành, các BS trưởng khoa, là trụ cột của bệnh viện; họ đã nỗ lực hết sức.

Lãnh đạo Bv Chợ rẫy trả lời báo chí.

Chúng tôi đã tận tâm, tận lực sử dụng các trang thiết bị hiện đại, các loại thuốc đặc hiệu… để cứu chữa cho BN. Tiếc rằng do bệnh tình diễn tiến quá nặng nên không qua khỏi. Với mỗi lần có chuyện như thế này là một lần chúng tôi xem xét đánh giá lại bản thân, rút kinh nghiệm cho việc vì sao chúng tôi đã làm hết sức, đã tư vấn đầy đủ nhưng người nhà BN vẫn còn bức xúc? Do đó, chúng tôi xin cung cấp thông tin diễn tiến quá trình điều trị để mọi người hiểu và chia sẻ với chúng tôi trong vụ việc này", PGS. TS Trần Quyết Tiến thông tin.

BS Trầm Minh Toàn, Phó khoa Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, nơi tiếp nhận BN Nguyễn Duy Hưng cho biết, khoa Cấp cứu tiếp nhận BN từ Đồng Nai chuyển tới vào lúc 0 giờ 40 phút ngày 5/8, với chẩn đoán từ tuyến dưới là theo dõi viêm tụy cấp năng, tĩnh mạch huyết áp ổn, bụng chướng… Sau đó, BN được cho nằm theo dõi viêm tụy cấp và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…

Đến hơn 5 giờ ngày 5/8, BN được chuyển lên khoa Nội Tiêu hóa để tiếp tục được điều trị, theo dõi viêm tụy cấp.

TS.BS, Hồ Tấn Phát - Trưởng khoa Nội Tiêu Hóa, tiếp tục cung cấp thông tin, BN nhập khoa lúc 6 giờ ngày 5/8/2018 với chẩn đoán là viêm tuỵ cấp nặng. BN được chẩn đoán xác định ngay khi vào khoa với tiên lượng bệnh rất nặng. Trong ngày, BN được theo dõi và điều trị theo đúng tình trạng bệnh. Do mẹ của cháu không có mặt nên quá trình theo dõi và điều trị BS trực khoa đã ít nhất 2 lần giải thích tình trạng bệnh nặng cho các người nhà của cháu Hưng (là dì ruột của bệnh nhân) biết là bệnh rất nặng, diễn biến khó lường và rất nguy hiểm.

Bệnh nhân nằm điều trị tại bv Chợ Rẫy.

"Lúc BN ở lầu 8 (khoa Nội Tiêu hóa), có người nhà gọi gửi gắm, có cháu Hùng đang nằm điều trị ở khoa, ca này rất nặng, BN khó qua, mình báo lại, đã sắp xếp xuống ICU rồi. Có nói với gia đình rồi", bác sĩ Phát chia sẻ.

BS CKII Phan Thị Xuân - Trưởng khoa Hồi Sức Cấp Cứu (ICU), cho biết BN nhập khoa trong tình trạng bệnh rất nặng phải đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh, dinh dưỡng tĩnh mạch, các biến chứng theo dõi…. Người nhà nói xin qua bệnh viện FV, nhưng sau đó không đưa đi.

"Mẹ BN phản ánh đóng tiền mà không được lọc máu vì khoa HSCC chỉ có 3 máy lọc máu là không đúng; tất cả BN được chỉ định lọc máu đều thể hiện đầy đủ trong hồ sơ bệnh án, bảng chỉ định và theo dõi, bảng kê khai chi tiết chi phí phẫu thuật trọn gói đều đầy đủ. Tất cả đã được dán vào hồ sơ, khoa HSCC có 8 máy lọc máu liên tục và 2 máy lọc máu ngắt quãng, luôn đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh", BS Xuân thông tin thêm.

Về thông tin viện phí, BN nằm điều trị tại khoa HSCC từ 6/8- 28/8 ( 23 ngày) do BN không có BHYT nên số tiền viện phí họ phải thanh toán là 660,798,915 đồng; tính trung bình một ngày nằm điều trị tại khoa HSCC chưa đến 29,000,000 đồng (bao gồm tất cả chi phí thuốc, dịch truyền, máu truyền, thở máy, dinh dưỡng, xét nghiệm  và lọc máu liên tục). Tổng số lần đóng tiền tạm ứng tại khoa 19 lần.

Mẹ BN có xin số điện thoại cá nhân của BS điều trị ( cụ thể là BS Hiền, BS Hưng) nhưng BS không cho và đã giải thích với mẹ BN nếu BS bên Mỹ muốn trao đổi chuyên môn phải có sự ủy quyền từ phía người nhà và gọi trực tiếp đến BVCR-Khoa HSCC, BS tại khoa sẽ trao đổi chuyên môn trực tiếp. Dù không đồng ý cho số điện thoại cá nhân nhưng bác sĩ Hưng (BS điều trị) cũng đã cho địa chỉ email để tiếp nhận thông tin trao đổi. Tuy nhiên, không nhận được bất kỳ yêu cầu trao đổi chuyên môn nào từ phía BS bên Mỹ, mà chỉ nhận được những lời mời đi ăn, xin số điện thoại và gặp riêng.

Đã giải thích cho người nhà trình trạng bệnh rất nặng, khó qua khỏi

Bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng khoa Gan Mật Tụy, cho biết: "Phương pháp điều trị viêm tụy cấp thì phương án ngày nay là hạn chế tối đa phẫu thuật. Ưu tiên theo dõi và điều trị nội khoa (thuốc), để tránh những nguy cơ xảy ra cho người bệnh. Khi không còn cách nào khác thì chúng ta mới bất đắc dĩ đụng tới dao kéo. Do BN viêm tụy cấp, diễn tiến khó lường khi có dấu hiệu xuất huyết hoại tử… nặng nên chúng tôi buộc phải phẫu thuật.

Trước khi phẫu thuật, chúng tôi đã giải thích cho người nhà BN là tình trạng bệnh rất nặng khó qua khỏi mặc dù đã tiến hành các bước hồi sức nội khoa tích cực và theo dõi sát. Mổ mới có  hy vọng vì diễn tiến bệnh nặng, xuất huyết trong ổ bụng và sau phúc mạc, suy đa cơ quan".

Viêm tụy cấp là bệnh lý hết sức nguy hiểm, diễn tiến khó lường. Trong trường hợp này BN được chẩn đoán là viêm tụy cấp hoại tử thì nguy cơ, mức độ nguy hiểm còn cao hơn. Theo y văn thế giới thì 80 % thể nhẹ và 20% thể nặng. Trong đó, tỷ lệ biến chứng thể nặng của viêm tụy cấp là 20% trong đó tử vong là 40 đến 90%.

BS. Lưu Ngân Tâm- Trưởng khoa Dinh dưỡng chia sẻ trong buổi họp báo: "Tôi là BS Trưởng khoa dinh dưỡng nhưng mẹ BN lại nhầm là trưởng khoa ICU. Ngày hôm đó, tôi có lên hội chẩn tại khoa ICU để có chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho bệnh nhân, khoảng 3 giờ chiều và có gặp mẹ bệnh nhân đang thăm con tại khoa. Tôi còn hỏi mẹ BN để khai thác thêm tiền sử chế độ ăn và việc dùng bia rượu của BN. Tình trạng BN lúc tôi thăm khám là tình trạng bệnh viêm tụy cấp nặng, thể hoại tử, suy hô hấp, tổn thương thận cấp vô niệu, tình trạng bụng chướng căng, nghe không có nhu động ruột, theo dõi tình trạng tăng áp lực ổ bụng nặng, mất máu cấp.

Ngay lúc đó, bác sĩ khoa hồi sức đã điện thoại mời hội chẩn khoa Ngoại Gan mật tụy khẩn. Trước tình trạng bệnh diễn tiến nặng như vậy, tôi có bàn với bác sĩ Hưng (bác sĩ đang theo dõi bệnh nhân này khoa ICU) là ngưng cho dinh dưỡng qua ống Sonde bằng nước đường và nhịn ăn hoàn toàn qua tiêu hóa. Tuy nhiên, BN vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng bằng dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch với công thức dinh dưỡng phù hợp với chuyển hóa và tình trạng bệnh lý nặng của BN. Tôi khẳng định rằng sự quyết định, chỉ định điều trị về dinh dưỡng của tôi cho BN này là hoàn toàn phù hợp. Đồng thời, với vai trò là một bác sĩ được mời hội chẩn, phối hợp chuyên môn thì tôi không được phép và cũng đã không nói là bệnh nhân phải được trả về".

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cũng chia sẻ: "Làm bác sĩ không cứu được người bệnh đã buồn, buồn hơn là khi họ không chia sẻ đồng cảm. Nếu chị ấy hiểu, việc đặt nội khí quản là giúp con chị ấy thở chứ không phải đó là cái ống thọc to chúng tôi thọc vào phổi. Để chống nhiễm khuẩn, ICU hạn chế người nhà vào để bảo vệ cho con chị ấy, cho bao người bệnh khác. Phòng mổ cũng thế, vậy mà chị ấy dùng từ đuổi ra; máy móc, trang thiết bị của BV Chợ Rẫy mà chị ấy ví "thời vua Bảo Đại ở truồng tắm mưa"…