Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh viêm họng ở trẻ em

Viêm họng là bệnh lý đường hô hấp phổ biến ở trẻ em. Khi bị viêm họng, trẻ có các dấu hiệu ban đầu như sổ mũi, nghẹt mũi, đau rát họng, sốt cao trên 38,5 độ C. Bên cạnh đó, trẻ sẽ có hiện tượng quấy khóc, chán ăn, hạch sưng đau vùng cổ, khi nuốt nước bọt cảm thấy khó chịu.

Bệnh viêm họng ở trẻ em thường kèm theo dấu hiệu sốt cao - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Ngô Thạnh Phát, khoa Tai - Mũi - Họng bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết bệnh viêm họng ở trẻ nhỏ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp khi thời tiết trở lạnh.

Theo bác sĩ Ngô Thạnh Phát, trẻ trong độ tuổi mầm non bắt đầu đi học và làm quen với môi trường bên ngoài sẽ dễ bị các tác nhân vi khuẩn tấn công gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ bị nhiễm siêu vi sẽ dễ mắc chứng viêm họng hoặc cảm lạnh. Những bệnh lý thường gặp này ở trẻ sẽ hết dần khi trẻ lớn và hệ miễn dịch đã hoàn thiện.

Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu bệnh viêm họng kéo dài hơn 7 ngày - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp trẻ bị viêm họng kéo dài hơn 1 tuần, sốt cao trên 38 độ C kèm theo dấu hiệu liên tục đau họng, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra tình trạng sức khỏe.

Cách phòng bệnh viêm họng ở trẻ em

Để phòng bệnh viêm họng ở trẻ em, cha mẹ nên chú ý tạo cho trẻ lối sống khoa học cùng chế độ dinh dưỡng cân bằng nhằm tăng cường hệ miễn dịch.

Bác sĩ Ngô Thạnh Phát khuyên các bậc cha mẹ nên tắm rửa, vệ sinh cơ thể trẻ hàng ngày. Đồng thời, cha mẹ cũng cần dạy và nhắc nhở trẻ biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, tạo thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi cầm, nắm các đồ vật bẩn.

Vệ sinh cá nhân thường xuyên sẽ giúp trẻ phòng ngừa bệnh viêm họng - Ảnh minh họa: Internet

Trong chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cần cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm thuộc 4 nhóm dưỡng chất (chất đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất) dựa trên tháp dinh dưỡng theo độ tuổi. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tăng cường các bữa ăn phụ bao gồm các loại trái cây, sữa và các chế phẩm từ sữa nhằm thúc đẩy hệ miễn dịch ở trẻ em.

Một lưu ý bác sĩ Ngô Thạnh Phát nhấn mạnh đến các bậc phụ huynh là cần cho trẻ tiêm chủng đúng lịch, đầy đủ nhằm giúp cơ thể con tạo ra kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh phổ biến. Khi thời tiết chuyển mùa, cha mẹ nên giữ ấm cơ thể, hai tay và lòng bàn chân cho trẻ.

Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa sẽ giúp con phòng tránh nguy cơ mắc bệnh viêm họng - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp trẻ thường xuyên mắc bệnh viêm họng vào hầu hết các khoảng thời gian trong năm, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn về các phương pháp tăng cường hệ miễn dịch.