Gia tăng bệnh mỡ máu

Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống, đặc biệt thói quen ăn uống. Ngoài nhậu nhẹt thì ăn tối quá khuya cũng là cách cơ thể tích tụ mỡ.

Theo PGS Nam, khi ăn tối muộn sẽ khiến lượng đường trong máu cao, chất béo, hàm lượng các axit amin tăng lên. Do cơ thể ở chế độ nghỉ ngơi nên các chất sinh năng lượng có trong thức ăn như protit, lipid, gluxit đều được chuyển nhanh thành chất béo dự trữ, được gửi vào trong các thành phần khác nhau của cơ thể nên dễ gây béo phì.

Khi bạn kiểm tra cholesterol trong máu, sẽ thấy thông tin về 3 loại cholesterol trong động mạch: cholesterol xấu (LDL), cholesterol tốt (HDL) và triglyceride, một loại chất béo có xu hướng làm tắc nghẽn các động mạch.

Nhậu nhẹt có thể làm tăng triglyceride. Còn khi thói quen bia bọt khiến bạn tăng cân thì có thể gây tác động đến nồng độ LDL và HDL

Theo TS BS Nguyễn Quang Bảy -  trưởng khoa Nội tiết và rối loạn chuyển hóa, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây các bác sĩ gặp rất nhiều bệnh nhân có tăng triglyceride máu nặng nhập viện, có trường hợp triglyceride > 100 mmol/L (bình thường < 1,8 mmol/L), đa phần là những “bợm nhậu”, lối sống tĩnh tại, ăn nhiều, ít vận động… một số bệnh nhân do bệnh di truyền hoặc tăng triglyceride máu có tính chất gia đình. 

Hình ảnh tăng mỡ máu của bệnh nhân sau vài phút lấy máu xét nghiệm.

Với các trường hợp tăng triglyceride, bác sĩ Bảy cho biết, việc điều trị nhiều khi rất khó khăn. Với những người lớn có Triglyceride > 1.000 mg/dL (11,3 mmol/L), Guideline  trưởng  bộ môn Tim mạch Hoa kỳ (ACC) – 2021 hướng dẫn như sau: 

Thứ nhất, bệnh nhân cần thay đổi lối sống. Những bệnh nhân này có nguy cơ cao bị viêm tụy cấp, nên cần thực hiện chế độ ăn rất ít chất béo (10% - 15% tổng lượng calo). Ngoài ra, kiêng rượu và hạn chế ăn cacrbohydrate tinh chế (refined) cũng như đồ ngọt. 

Thứ hai, bệnh nhân cần được  phát hiện và điều trị các nguyên nhân gây tăng triglycerid máu 

Thứ ba, mhững trường hợp có tăng triglyceride nặng và thiếu insulin: cần điều trị tăng đường huyết trước rồi sau đó đánh giá lại triglyceride.

Thứ tư, dùng thuốc: Khi triglyceride > 11,3 mmol/L, hiệu quả của các thuốc làm giảm nồng độ TG bị hạn chế. Do đó, cách tiếp cận ban đầu trong điều trị những bệnh nhân này bao gồm hạn chế chất béo trong chế độ ăn (chiếm <5% tổng lượng calo) cho đến khi TG < 11,3 mmol/L là giới hạn mà các thuốc giảm triglyceride có thể có hiệu quả. Các thuốc gồm: 

Các thuốc không phải Statin: Nếu triglyceride vẫn cao hoặc tăng lên thì cho bệnh nhân dùng thêm Omega 3 (liều 2g EPA - eicosapentaenoic acid x 2 lần/ngày) và thuốc Fibrate để phòng ngừa viêm tụy cấp

Ngoài ra, bác sĩ sẽ phối hợp thêm hoặc tăng liều Statin để điều trị tăng triglyceride ở những bệnh nhân nguy cơ tim mạch cao, hoặc đái tháo đường hoặc đã có biến cố tim mạch.

Thay đổi lối sống

Về việc thay đổi lối sống, theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Thúy – Bệnh viện Medlatec Hà Nội, thay đổi lối sống được xem là “liều thuốc” lâu dài đối với bệnh tăng triglyceride.

Thói quen ăn uống nhiều vào buổi tối, ăn đêm, nhất là sau 8 giờ tối bạn cần thay đổi vì việc ăn quá nhiều vào tối muộn khiến cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn gặp khó khăn, từ đó dẫn đến tích lũy năng lượng dư thừa trong cơ thể. 

Ăn tối muộn càng tăng nguy cơ tích lũy chất béo ở phần bụng và mông cũng sẽ cao hơn nếu bạn là người thường hay thức khuya. 

Nếu bạn thừa cân, béo phì cần lên ngay chế độ giảm cân phù hợp nhằm lấy lại và duy trì cân nặng lý tưởng. 

Để đánh giá cơ thể bạn có bị thừa cân hay không, bác sĩ Thúy hướng dẫn cách đo chỉ số cơ thể. Chỉ số này có thể dễ dàng tính được dựa vào chiều cao (H, đơn vị m) và cân nặng (W, đơn vị kg), theo đó  BMI = H / W2. 

Chỉ số BMI lý tưởng đối với người Việt Nam nói chung nằm trong khoảng từ 18,5 - 22,9, dưới 18,5 có nghĩa là bạn đang ở mức nhẹ cân, ngược lại BMI > 23 thì người đó được xếp vào dạng thừa cân và cao hơn nữa thì là béo phì. 

Nếu chỉ số BMI > 23 bạn cần thiết lập ngay chế độ giảm cân. Giảm cân cũng là cách giảm triglyceride nhanh. Trường hợp triglyceride không giảm bạn có thể được bác sĩ cân nhắc các phương pháp điều trị khác.

Trong chế độ ăn hàng ngày, bạn nên loại bỏ các chất béo có nguồn gốc từ động vật, thực phẩm chiên rán. Chất béo tốt có thể sử dụng chất béo từ thực vật như dầu thực vật, ăn quả bơ.

Đặc biệt, chất béo có nguy cơ cao tích lũy trong cơ thể khi bạn thường xuyên sử dụng các loại đồ uống có cồn, do đó việc hạn chế uống rượu bia là điều cần chú ý đối với những người có triglyceride tăng cao. 

Song song với chế độ ăn uống, bác sĩ Thúy khuyến cáo, bạn bỏ ra ít nhất 30 phút/ngày để luyện tập thể dục thể thao. Việc này nên được thực hiện đều đặn hàng ngày. Bạn có thể lựa chọn những môn thể thao yêu thích và phù hợp với sức khỏe của mình hiện tại như đạp xe, đi bộ, chơi cầu lông,...

Đồng thời, tích hợp các hoạt động thể chất ngay cả khi đang làm việc ví dụ như thay vì đi thang máy thì chọn cầu thang bộ hoặc có thể đi dạo quanh trong giờ nghỉ,...