Bệnh thủy đậu ‘tấn công’ nhiều trường học: Cách nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh mà cha mẹ nào cũng cần biết
Ngày 21/3, CDC Hà Nội thông tin từ đầu năm tới nay, thủ đô có 548 trẻ mắc thủy đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca, chủ yếu ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%). Đã có 18/30 quận, huyện ghi nhận ca thủy đậu, trong đó Chương Mỹ dẫn đầu với 230 ca, Mê Linh 69 ca, Ba Vì 60 ca, Nam Từ Liêm 56 ca, Mỹ Đức 42 ca.
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus varicella-zoster gây ra, số người mắc cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5. Đây là khoảng thời gian độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan. CDC Hà Nội dự báo số ca mắc mới có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Làm thế nào để nhận biết bệnh thủy đậu?
Thủy đậu đặc thù bởi các nốt mụn nước nhỏ trên da và gây ngứa. Các nốt mụn nước của thủy đậu thường xuất hiện từ 10-21 ngày sau khi nhiễm virus và thường kéo dài trong khoảng từ 5-10 ngày.
Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện trước khi nổi ban nước từ 1-2 ngày, đó là:
- Sốt
- Chán ăn hoặc bỏ ăn
- Đau đầu
- Mệt mỏi, quấy khóc đối với trẻ nhỏ
Quá trình phát ban trải qua 3 giai đoạn:
- Nổi các ban sẩn có màu hồng hoặc đỏ lan rộng trong vòng vài ngày
- Xuất hiện các nốt mụn có nước và vỡ
- Các nốt mụn đóng vảy và da lành dần
Các nốt mụn mới tiếp tục xuất hiện trong vài ngày.
Các triệu chứng nặng của bệnh thủy đậu gồm:
- Phát ban lan ra một hoặc cả hai mắt.
- Vùng da bị phát ban đỏ, nóng. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng da thứ cấp do vi khuẩn.
- Phát ban kèm với chóng mặt, mất phương hướng, nhịp tim nhanh, khó thở, run rẩy, yếu cơ, ho nặng hơn, nôn mửa, cứng cổ hoặc sốt cao hơn 39 độ C.
Ai là người dễ nhiễm thủy đậu?
Virus thủy đậu dễ dàng lây lan trong vòng 48 giờ trước khi phát ban và tiếp tục lây lan cho tới khi tất cả các mụn nước vỡ và đóng vảy. Có 2 đường lây bệnh là đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với nốt tổn thương trên da.
Nguy cơ nhiễm thủy đậu cao hơn ở những trẻ chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vaccine thủy đậu hoặc những người có hệ miễn dịch bị suy giảm.
Hầu hết những người đã tiêm vaccine hoặc đã từng nhiễm thủy đậu đều có miễn dịch với bệnh. Một số trường hợp có thể tái nhiễm thủy đậu nhiều lần, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm.
Ở những người đã tiêm phòng vaccine, nếu nhiễm thủy đậu các triệu chứng thường nhẹ hơn, nổi ít mụn nước hơn và sốt nhẹ hoặc không sốt.
Biến chứng của thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh khá lành tính, tuy nhiên ở một số trường hợp, nó có thể dẫn tới các biến chứng gồm:
- Nhiễm trùng huyết
- Viêm não
- Hội chứng sốc độc tố
Trong quá trình mang thai, nếu thai phụ bị nhiễm thủy đậu có thể dẫn tới việc con sinh ra bị nhẹ cân và dễ có các bất thường chi.
Những người đã từng bị thủy đậu dễ có nguy cơ mắc bệnh zona sau này. Virus varicella-zoster gây bệnh thủy đậu vẫn có thể tồn tại, ‘ngủ đông’ trong các tế bào thần kinh sau khi nốt mụn nước đã lành. Nhiều năm sau, virus có thể kích hoạt và nổi mụn trên da dưới dạng bệnh zona.
Zona cũng gây ra các nốt mụn nước tồn tại trong thời gian ngắn và gây đau. Ở những người lớn tuổi và có hệ miễn dịch yếu, cơn đau do bệnh zona thậm chí có thể kéo dài sau khi mụn nước biến mất và có thể gây đau dây thần kinh nghiêm trọng.
Phòng ngừa bệnh thủy đậu
Tiêm vaccine là cách phòng thủy đậu tốt nhất. Theo các chuyên gia của CDC Hoa Kỳ, tiêm 2 liều vaccine thủy đậu cơ bản có thể loại trừ được tới 98% nguy cơ mắc bệnh.
Vaccine không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi nguy cơ mắc thủy đậu nhưng giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu mắc.
Khi trẻ mắc thủy đậu, cha mẹ cần giữ sạch sẽ các phần tổn thương trên da và cho con dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ; Tuyệt đối không được dùng các thuốc không rõ nguồn gốc để bôi lên các vết mụn nước; Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung đủ nước cho con.
Nếu thấy con có các dấu hiệu nặng, cần đưa con tới cơ sở y tế kịp thời.
(Nguồn: Mayo Clinic, CDC)
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.