Chị Hằng ly hôn người chồng đầu sau nhiều năm chung sống vì bất đồng trong chuyện chăn gối. Nhu cầu của chồng rất cao, song chị lại lãnh cảm với tình dục. Vài năm sau, chị yêu và tái hôn với một người đàn ông khác.

Tưởng chừng cuộc sống mới sẽ thuận hòa, song chị Hằng lại đối mặt với nỗi sợ hãi mỗi khi gần chồng. Chị luôn né tránh chồng, nếu có gần gũi thì đều là gượng ép.

Không muốn cuộc hôn nhân thứ hai cũng đổ vỡ, tuần trước chị đã đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khám. Các bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm di truyền gene, xét nghiệm nội tiết, kiểm tra đánh giá sang chấn khi còn trẻ.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết bệnh nhân có tiền sử bị lạm dụng tình dục khi còn trẻ. Chính điều đó khiến chị bị rối loạn chức năng tình dục, không có cảm xúc, không dám gần gũi chồng. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ.

Nhiều bệnh nhân điều trị ở viện tâm thần do sang chấn tâm lý. Ảnh: Thùy An.

Theo bác sĩ Tuấn, mỗi ngày Viện Sức khỏe Tâm thần tiếp nhận 400 bệnh nhân khám, tăng gấp 4 lần so với cách đây 3 năm. Trong đó, nhiều bệnh nhân đến khám vì vấn đề tình dục.

Theo Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan, rối loạn chức năng tình dục bao gồm các cách thức khác nhau, trong đó bệnh nhân không thể tham gia vào mối quan hệ tình dục như mong muốn. 

Bệnh nhân có thể thiếu quan tâm, thiếu thích thú, thất bại trong đáp ứng sinh lý cần thiết cho mối quan hệ tình dục có hiệu quả (như chứng rối loạn cương dương), hoặc không có khả năng cảm nhận cực khoái.

Điều khiến người phụ nữ giảm ham muốn tình dục, có thể do phải đối mặt với nhiều vấn đề cá nhân, gia đình, sự nghiệp, tài chính... khiến căng thẳng, mất tập trung. Khi phải chăm sóc trẻ nhỏ hoặc các thành viên khác, đối phó với bệnh mạn tính, cảm thấy chán nản, hoặc bị lạm dụng... cũng có thể khiến phụ nữ giảm ham muốn.

Theo bác sĩ Tuấn, nhiều người e ngại đi khám, chỉ âm thầm chịu đựng hoặc tự kiếm thuốc để điều trị khiến tình trạng nặng nề hơn. Trong khi đó, thuốc trong điều trị tăng cường tình dục là thuốc kê đơn, có chỉ định chặt chẽ, phải phù hợp từng cá nhân riêng biệt. Do đó, người bệnh không nên tự mua thuốc, phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Các rối loạn hành vi tình dục rất đa dạng. Trong điều trị, các bác sĩ chủ yếu sử dụng liệu pháp tâm lý hành vi. Để trị liệu có hiệu quả bác sĩ phải tìm hiểu kỹ, đánh giá một cách rất chi tiết, tỉ mỉ và hiểu rất rõ tâm lý của người bệnh. Một số thuốc có thể phối hợp cùng với liệu pháp tâm lý hành vi để điều chỉnh hành vi tình dục như thuốc chống trầm cảm, thuốc bổ thần kinh, thuốc giải lo âu và các thuốc trị liệu tâm thần kinh khác...

Theo nghiên cứu của Sophie 2018 đăng trên Lancet, 88% trẻ gái thanh thiếu niên có nguy cơ trầm cảm sau khi bị tấn công tình dục; 71% ca có nguy cơ lo âu; 91% có nguy cơ rối loạn stress sau sang chấn sau 4-5 tháng; 80% được chẩn đoán một loại rối loạn tâm thần.