Bệnh quai bị là gì?

Quai bị là bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi gây ra, biểu hiện đặc trưng là viêm sưng các tuyến nước bọt. Bệnh thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 12 - 24 ngày.

Bệnh quai bị khá phổ biến ở trẻ nhỏ - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh lý này khá phổ biến ở trẻ nhỏ, thường gặp ở trẻ em từ 2 - 14 tuổi. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, khả năng mắc bệnh rất thấp do tồn tại các kháng thể từ mẹ.

Bệnh quai bị có lây không? 

Câu trả lời là có, đây là bệnh truyền nhiễm nên rất dễ lây lan, chủ yếu qua đường nước bọt. Thời gian bệnh có khả năng lây nhiễm nhiều nhất là từ 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện cho đến 6 ngày sau khi triệu chứng kết thúc.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ để lại biến chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như cuộc sống của trẻ sau này.

Điều trị quai bị thế nào cho hiệu quả?

Bệnh quai bị hoàn toàn có thể điều trị tại nhà nếu được các bác sĩ đánh giá và cho phép. Hiện chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu là giảm các triệu chứng của bệnh. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giảm đau để bệnh nhân thấy dễ chịu hơn.

Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc đúng thời gian và đủ liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong thời gian đó, người bệnh cần vệ sinh cơ thể thường xuyên bằng nước ấm. Các dụng cụ và vật dụng trong nhà mà trẻ tiếp xúc cần phải được sát khuẩn sau mỗi lần sử dụng để ngăn chặn sự lây lan.

Bệnh quai bị hoàn toàn có thể điều trị tại nhà - Ảnh minh họa: Internet

Nếu được, cần cách ly người bệnh khỏi những thành viên còn lại trong gia đình cho đến khi hồi phục hoàn toàn.

Người trực tiếp chăm sóc cũng phải tuyệt đối chú ý để phòng chống lây lan. Khi tiếp xúc, cả người bệnh và người chăm sóc phải đeo khẩu trang. Nếu không cần thiết thì người bệnh không nên xuất hiện ở những chỗ đông người như trường học, nơi công cộng…

Ăn uống đầy đủ với các loại thực phẩm phù hợp và kiêng ăn một số thứ cũng là một biện pháp quan trọng để người bệnh quai bị nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Bệnh quai bị nên ăn gì để mau khỏi bệnh?

Ăn thức ăn dạng lỏng

Trong thời gian bị bệnh, người bệnh thường sốt cao, chán ăn, khó hấp thụ những món ăn cứng vì vậy người nhà cần chuẩn bị những thức ăn dạng lỏng, giàu dinh dưỡng cho người bệnh.

Một số món ăn người bệnh quai bị nên ăn có thể kể đến như bột ngó sen, cháo gạo tẻ, canh trứng… giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng một cách dễ dàng.

Trong thời gian bị bệnh, người bệnh nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, ăn nhiều lần trong ngày. Lý do là hệ tiêu hóa lúc này khá nhạy cảm, cần phải chú ý điều chỉnh số lượng thức ăn mỗi lần ăn sao cho phù hợp.

Khi bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh nhân không nên gấp gáp chuyển sang thức ăn cứng ngay mà phải chuyển dần sang thức ăn mềm để hệ tiêu hóa có thể thích nghi trước khi ăn bình thường trở lại.

Các món ăn chế biến từ đậu

Đối với người khỏe mạnh, đậu đã là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng. Ngoài thành phần dinh dưỡng cao, đậu còn được chế biến thành nhiều món ăn có tác dụng như một bài thuốc giúp cơ thể nhanh chóng đề kháng lại với bệnh tật.

 Đậu chính là món ăn giúp tăng sức đề kháng cho người mắc bệnh quai bị - Ảnh minh họa: Internet

Một bài thuốc dân gian được rất nhiều người sử dụng cho bệnh nhân quai bị là dùng đậu xanh, đậu tương số lượng tương đương nhau, đem đun nhừ. Để cho dễ ăn và người bệnh đỡ ngán, khi ăn có thể cho thêm đường đỏ.

Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cũng có thể đem ninh đậu xanh cả vỏ cho nhừ rồi kết hợp thêm rau cải, ăn thực đơn như vậy liên tục trong 3 - 5 ngày, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm.

Các món ăn từ rau xanh

Trong rau xanh chứa một lượng rất lớn vitamin A và chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của người bệnh. Đối với bệnh nhân quai bị, vấn đề tiêu hóa trong thời gian bị bệnh rất quan trọng. Vì vậy bổ sung rau là điều cần chú ý.

Bạn có thể sử dụng khổ qua hay còn gọi là mướp đắng để nấu các món ăn dinh dưỡng cho người bệnh. Các món ăn từ mướp đắng vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa tăng sức đề kháng rất tốt.

Trái cây giàu vitamin C như cam bưởi

Bị quai bị có nên uống nước cam không cũng là thắc mắc của nhiều người. Câu trả lời là có. Các chất dinh dưỡng có trong quả cam, đặc biệt là lượng vitamin C dồi dào giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Ngoài ra, có thể sử dụng các quả chung họ với cam như bưởi, quýt, chanh… đều tất tốt cho bệnh nhân quai bị.

Bệnh quai bị kiêng ăn những gì?

Bệnh quai bị kiêng ăn gì là thắc mắc được nhiều người nhắc đến nhất trong thời gian mắc bệnh. Khi đó, người bệnh cần tránh một số thực phẩm có khả năng khiến tuyến nước bọt sưng to hơn và làm bệnh nặng hơn như:

Đồ chua

Bệnh quai bị không nên ăn đồ chua - Ảnh minh họa: Internet

Các thực phẩm có vị chua là câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi bệnh quai bị kiêng ăn gì, lý do đơn giản là các vị chua sẽ kích thích tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn và sẽ gây đau đớn cho người bệnh. Đồ chua là một trong những đáp án cho băn khoăn.

Đồ ăn cay nóng, đồ tanh

Các thực phẩm như ớt, tiêu, đồ hải sản khiến hệ tiêu hóa làm việc nhiều hơn nhưng cơ thể lại ít hấp thu dinh dưỡng hơn. Ngoài ra, các món ăn này khiến người bệnh nóng trong người, càng làm cơ thể thêm mệt mỏi.

Thịt gà

Thịt gà là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng lại nằm trong danh sách bệnh quai bị kiêng ăn gì. Vì thịt gà là món ăn cứng, khiến cơ hàm hoạt động nhiều gây đau đớn. Hơn nữa đây còn là thực phẩm khó tiêu không tốt cho người bệnh.

Đồ nếp

Bệnh quai bị nên tạm thời kiêng ăn nếp - Ảnh minh họa: Internet

Các món ăn làm từ gạo nếp cũng là món ăn người mắc quai bị nên kiêng vì cũng sẽ khiến quai hàm sưng to hơn, gây đau đớn cho người bệnh.

Bị bệnh quai bị có kiêng tắm không?

Quan điểm người bị bệnh quai bị nên kiêng gió, kiêng tắm đã có từ thời xưa. Dù chỉ là những quan niệm truyền miệng nhưng không phải là không có cơ sở khoa học.

Trong thời gian mang bệnh, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân suy yếu nên rất dễ bị các loại vi khuẩn, virus từ môi trường bên ngoài tấn công. Nước lạnh và gió càng khiến hệ miễn dịch yếu đi, dễ phát sinh thêm các chứng bệnh cảm cúm, cảm lạnh hoặc nguy hiểm hơn là làm bệnh quai bị xuất hiện thêm biến chứng.

Bệnh nhân quai bị cần vệ sinh cơ thể nhanh chóng bằng nước ấm - Ảnh minh họa: Internet

Hơn nữa, virus quai bị phát tán rất nhanh qua đường hô hấp. Khi người bệnh tiếp xúc quá nhiều với môi trường bên ngoài, virus từ nước bọt hoặc dịch tiết của bệnh nhân có thể phát ra và nằm ở đâu đó trong không gian làm tăng nguy cơ lây bệnh cho cộng đồng.

Do đo, bệnh nhân quai bị cần vệ sinh cơ thể nhanh chóng bằng nước ấm, không tắm nước lạnh và nghỉ ngơi trong nhà càng nhiều càng tốt cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.

Những lưu ý khi bị bệnh

Trong thời gian mắc quai bị, người bệnh không nên hoạt động mạnh, dừng các hoạt động thể thao, nên nghỉ ngơi nhiều để giảm đau.

Đặc biệt, khi thấy tinh hoàn có hiện tượng sưng đau người bệnh cần phải nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ và nằm nghỉ ngơi tại giường nếu không có thể gặp biến chứng viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn và có thể dẫn tới vô sinh.

Quai bị cũng như những bệnh lý khác, tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc uống, thuốc đắp lên vùng bị sưng đau khi chưa có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.

Vệ sinh răng miệng, thường xuyên súc miệng nước muối diệt khuẩn để vi khuẩn không có điều kiện phát triển.

Tóm lại, bệnh quai bị kiêng ăn gì và nên ăn gì đã giải đáp được phần nào những băn khoăn của người bệnh. Quan trọng nhất là nên đến các cơ sở y tế để có hướng điều trị thích hợp và phòng ngừa biến chứng của bệnh xảy ra.