Bệnh Parkinson: Có thể di truyền nhưng không thể chữa khỏi
Bệnh parkinson là gì?
Bệnh Parkinson là một rối loạn cấp cao của hệ thần kinh có ảnh hưởng đến vận động. Bệnh Parkinson xảy ra khi các tế bào sản sinh dopamine ở thân não bị chết. Không rõ nguyên nhân nào gây ra tình trạng này. Một số trường hợp (chưa đến 10%) có thể do di truyền.
Điều rõ ràng là không có dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh cần thiết để khởi đầu vận động của toàn cơ thể - các triệu chứng của Parkinson sẽ bắt đầu xuất hiện.
Nguyên nhân bệnh Parkinson
Các nhà khoa học chưa có lý giải về nguyên nhân các tế bào não sản sinh chất dẫn truyền thần kinh bị thoái hóa và chết đi mà chỉ có thể đưa ra một số yếu tố gây bệnh khác nhau như: do tuổi tác (lớn tuổi), do di truyền, do yếu tố môi trường, thậm chí có thể là do virus...
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh parkinson
Tuổi tác
Thanh niên hiếm khi gặp bệnh Parkinson. Bệnh Parkinson thường bắt đầu trong khoảng giữa và cuối cuộc đời. Mọi người thường phát triển bệnh từ khoảng 60 tuổi trở lên.
Yếu tố di truyền
Nếu bạn có một người thân bị bệnh Parkinson sẽ làm tăng cơ hội phát triển bệnh. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn ít, trừ khi bạn có nhiều người thân trong gia đình của bạn mắc bệnh Parkinson.
Giới tính
Đàn ông có nhiều khả năng phát triển bệnh Parkinson hơn là phụ nữ.
Tiếp xúc với độc tố
Tiếp xúc liên tục với thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu có thể đặt bạn vào nguy cơ tăng nhẹ mắc bệnh Parkinson.
Triệu chứng bệnh parkinson
Bệnh nhân bị bệnh Parkinson có một số biểu hiện, dấu hiệu bệnh parkinson như sau:
Tính cách thay đổi
Do bộ não thường chịu trách nhiệm về suy nghĩ, hành động, nhìn nhận và phản ứng với tình huống, nên bất kỳ thay đổi nào trong tính cách cũng là dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson.
Phối hợp các hoạt động chậm chạp
Đây là một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất của bệnh Parkinson khi mới ở giai đoạn đầu. Với các biểu hiện như: bất kỳ thay đổi tư thế như quay đầu, quay người, cài khuy, buộc dây giày... được làm với tốc độ chậm, không rõ ràng.
Cơ bắp cứng
Cứng khớp có thể xảy ra trong bất kỳ phần nào của cơ thể. Các cơ bắp cứng có thể giới hạn phạm vi chuyển động và làm bạn đau đớn.
Giảm cảm giác về mùi
Ở giai đoạn đầu, bệnh Parkinson thường ảnh hưởng đến khứu giác của con người, làm cho bệnh nhân không có khả năng phân biết mùi của thực phẩm, tình trạng này ngày càng nặng nếu không được chữa trị kịp thời.
Các vấn đề về đường ruột
Với các dấu hiệu như táo bón hoặc các vấn đề về tiêu hóa phổ biến, đặc biệt với người lớn tuổi.
Đau vai
Bệnh đau vai kéo dài, kể cả khi có sự can thiệp của y tế như dùng thuốc mà không thuyên giảm là một trong những dấu hiệu của bệnh Parkinson.
Mệt mỏi
Biểu hiện mệt mỏi thường xuyên kèm với một trong những dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson sẽ là nguy cơ cao tiến triển đến giai đoạn cuối của bệnh.
Các triệu chứng khác
Có một số thay đổi trong những thói quen sinh hoạt hàng ngày như thay đổi chữ viết, giọng nói, tính khí thất thường.
Một số biểu hiện bệnh dễ dàng gặp phải như run nhẹ khi bệnh đã tiến triển, gặp vấn đề khi di chuyển, rối loạn giấc ngủ, liệt cơ mặt, ngất xỉu, mất sự cân bằng.
Bệnh parkinson có nguy hiểm không?
Để giải tỏa thắc mắc cũng như lo lắng này, chúng ta hãy tìm hiểu các biến chứng có thể xảy ra của bệnh.
Khó nuốt
Bệnh Parkinson làm suy yếu các cơ miệng và hàm khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi nhai và nuốt thức ăn và tình trạng này sẽ trầm trọng hơn ở giai đoạn muộn của bệnh. .
Các vấn đề về bàng quang và ruột
Rối loạn tiểu tiện khiến người bệnh buồn đi tiểu liên tục (tiểu tiện không kiểm soát) hoặc són tiểu khi cười, tập thể dục hoặc hắt hơi hay đi tiểu vào ban đêm
Táo bón hoặc tiêu chảy, hoặc són phân (đại tiện không tự chủ)
Nguy hiểm nhất là biến chứng liệt ruột làm thuốc điều trị chậm hấp thu, ăn uống chậm tiêu và người bệnh dễ bị chết do suy kiệt ở giai đoạn nặng.
Tụt huyết áp tư thế
Là một trong số biến chứng nguy hiểm của bệnh Parkinson, tụt huyết áp tư thế có thể làm cho người bệnh choáng váng, loạng choạng khi thay đổi tư thế đột ngột (đứng dậy, ngồi dậy hoặc xoay người).
Người bệnh có thể bị té ngã và gây chấn thương phải nằm liệt giường vì biến chứng này. Đồng thời một số loại thuốc điều trị bệnh Parkinson cũng có thể gây tụt huyết áp.
Lo lắng và trầm cảm
Khi chung sống với căn bệnh mãn tính như bệnh Parkinson, những cảm giác lo âu và phiền muộn có thể tiến triển thành trầm cảm, đặc biệt là sau nhiều năm mắc bệnh.
Có tới 50% bệnh nhân Parkinson bị trầm cảm ở một một số thời điểm trong đời. Những thay đổi tín hiệu hóa học trong não có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra trầm cảm ở người bệnh Parkinson.
Sa sút trí tuệ
Khoảng 50 – 80% bệnh nhân Parkinson bị rơi vào tình trạng sa sút trí tuệ. Tình trạng sa sút trí tuệ ở những bệnh nhân Parkinson gây ra những triệu chứng như: mất trí nhớ, khó tập trung, khả năng suy xét kém, ảo giác, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, lo âu…
Chẩn đoán bệnh parkinson
Để chẩn đoán bệnh Parkinson, các bác sĩ chưa có xét nghiệm nào có thể dùng để khẳng định bệnh Parkinson mà chỉ kết luận thông qua dấu hiệu bệnh trong một thời gian dài.
Bệnh parkinson và cách chữa trị
Bệnh Parkinson có chữa được không là lo lắng của thân nhân và bản thân người bệnh. Đáng tiếc câu trả lời đây là bệnh không thể chữa khỏi, nhưng bác sĩ có thể giúp kiểm soát đáng kể các triệu chứng của bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn nên làm phẫu thuật.
Thuốc điều trị Parkinson
Thuốc có thể giúp bạn quản lý các vấn đề về đi lại, vận động và run rẩy. Các loại thuốc này làm tăng hoặc thay thế cho dopamine trong não của bạn, bao gồm:
- Levodopa: Đây là thuốc trị bệnh Parkinson hiệu quả nhất, là một hóa chất tự nhiên đi vào bộ não và được chuyển hóa thành dopamin.
- Chất đồng vận dopamine: Không giống như levodopa, đồng vận dopamine không thay đổi thành dopamine. Thay vào đó, chúng bắt chước hiệu ứng dopamine trong não của bạn
- Thuốc ức chế MAO-B: Chúng giúp ngăn chặn sự phân hủy của dopamine trong não do ức chế enzym monoamine oxidase não B. Enzyme này là chất chuyển hóa dopamine trong não. Các tác dụng phụ có thể bao gồm buồn nôn hoặc mất ngủ
- Thuốc kháng cholinergic: Các loại thuốc này được sử dụng trong nhiều năm để giúp kiểm soát các cơn rung liên quan đến bệnh Parkinson.
Phẫu thuật
Trong phẫu thuật kích thích não sâu, bác sĩ sẽ cấy ghép điện cực vào một phần cụ thể của bộ não. Các điện cực được kết nối với một máy phát điện được cấy vào ngực của bạn gần xương đòn sẽ gửi các xung điện để não của bạn hoạt động và có thể làm giảm triệu chứng bệnh Parkinson.
Các phương pháp điều trị bệnh parkinson không dùng thuốc
Liệu pháp xoa bóp
Mát-xa trị liệu đã được chứng minh là có thể giúp giảm cứng và đau trong bệnh Parkinson. Mát-xa giúp giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh trong não.
Châm cứu
Đây là cách chữa bệnh parkinson bằng đông y ở một số người. Việc châm cứu có vẻ giúp giảm run, cứng cơ và đau.
Ca hát
Có những báo cáo rằng ca hát giúp cải thiện âm lượng giọng nói và thậm chí cả các tương tác xã hội. Khi âm lượng giọng nói tốt hơn, người bệnh sẽ dễ đi ra ngoài giao lưu với bạn bè và dành thời gian với mọi người. Ngoài ra còn có các chương trình trị liệu ngôn ngữ giúp cải thiện âm lượng giọng nói.
Vật lý trị liệu
Cách điều trị này có thể giúp cải thiện sự mềm dẻo, thăng bằng và dáng đi. Một số chương trình được thiết kế dành riêng cho những người mắc bệnh Parkinson, học cách bước dài hơn để giảm các vấn đề phổ biến như đi lảo đảo.
Trị liệu nuốt
Chuyên gia trị liệu ngôn ngữ có thể giúp cải thiện khả năng nuốt hoặc ít nhất là giúp người bệnh học cách sống với những khó khăn khi nuốt do bệnh Parkinson.
Thủy trị liệu
Tham gia một lớp vật lý trị liệu trong hồ bơi giúp giảm bớt nỗi lo về té ngã và cho phép người mắc bệnh Parkinson vận động dễ dàng hơn hơn so với khi ở trên cạn.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh parkinson
Bệnh parkinson nên ăn gì?
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Gốc tự do là chất sinh ra trong hầu hết các phản ứng chuyển hóa của cơ thể, nó có khả năng kích thích phản ứng viêm, stress, oxy hóa gây thoái hóa não bộ và có ái lực đặc biệt với các tế bào não sản xuất ra dopamin.
Chính vì vậy, sự gia tăng về số lượng gốc tự do đồng nghĩa với việc sụt giảm nghiêm trọng nồng độ dopamine – nguyên nhân gây bệnh Parkinson. Chất chống oxy hóa sẽ thu dọn các gốc tự do, nhằm ngăn chặn quá trình tổn thương, thoái hóa não bộ và hầu hết các cơ quan.
Thực phẩm đó là các loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc, chẳng hạn như các loại rau màu xanh (rau chân vịt, súp lơ xanh), cà chua, cà rốt, đậu đỏ, quả việt quất, dâu tây, mận và táo.
Một số thức uống có chứa nhiều chất chống oxy hóa là: trà (trà xanh và trà đen), café, rượu vang đỏ (với lượng vừa phải), nước ép tối màu như lựu, việt quất.
Thực phẩm giàu dopamin
Ngoài thuốc điều trị, người bệnh Parkinson có thể bổ sung dopamine bằng ăn các thực phẩm cung cấp nguyên liệu để tổng hợp chất này. Các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu tương) không chỉ giàu chất xơ để hạn chế bớt tình trạng táo bón, mà chúng còn chứa protein có tên tyrosine – là nguồn dinh dưỡng cần thiết để làm tăng nồng độ dopamine cho não bộ.
Bổ sung các chất dinh dưỡng khác để làm chậm tiến triển bệnh Parkinson
Canxi, magie là những khoáng chất cần thiết cho sự thư giãn cơ bắp và hoạt động của xương. Một số dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt magie là run cơ, co thắt, yếu cơ, mất ngủ, căng thẳng, cao huyết áp, nhịp tim không đều, trầm cảm… Vì vậy, người bệnh Parkinson có thể bổ sung magie để cải thiện các rối loạn không thuộc về vận động.
Người bệnh Parkinson nên tắm nắng mỗi ngày để bổ sung Vitamin D, bởi nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng có sự xuất hiện các thụ thể của vitamin này trong não, giúp tăng cường hormone tăng trưởng tế bào thần kinh, chống viêm, giúp trẻ hóa tế bào và cải thiện tâm trạng.
Bệnh parkinson kiêng ăn gì?
Thực phẩm giàu protein
Protein làm hạn chế hấp thu thuốc điều trị bệnh Parkinson, vì vậy người bệnh không ăn quá nhiều thực phẩm chứa protein như thịt, sữa, đặc biệt là sử dụng thuốc ngay sau khi ăn chúng.
Mặc dù vậy, nguồn protein trong cá, các loại đậu lại cung cấp dưỡng chất cần thiết cho não bộ, bạn không nên loại chúng ra khỏi thực đơn hàng ngày.
Đậu tằm
Cung cấp một lượng levodopa tự nhiên, vì vậy dễ gây quá liều ở người bệnh parkinson đang điều trị bằng thuốc. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung thực phẩm này vào chế độ ăn.
Đường
Có thể khiến người bệnh Parkinson tăng cân và khó kiểm soát trọng lượng. Vì vậy, hãy giảm bớt nó trong chế độ ăn nếu không muốn tăng cân quá nhiều.
Phòng ngừa bệnh Parkinson
Các biện pháp phòng ngừa bệnh Parkinson như sau:
- Tắm nắng thường xuyên để bổ sung đủ vitamin D cho cơ thể. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh Parkinson đều có nồng độ Vitamin D thấp.
- Uống trà xanh hàng ngày có tác dụng ngăn không cho độc tố có thể giết chết tế bào thần kinh thâm nhập vào não.
- Sử dụng cà phê hợp lý giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
- Tránh xa môi trường độc hại, đặc biệt thuốc diệt trừ sâu...
- Bổ sung nguồn dinh dưỡng từ những loại hoa quả giàu flavonoid.
- Có chế độ tập thể dục khoa học.
Bệnh Parkinson tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với bệnh và có một cuộc sống vui vẻ.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....