Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cho biết tại đây các bác sĩ đang điều trị hồi sức tích cực cho bệnh nhi 17 tháng tuổi (ngụ Trà Vinh) mắc tay chân miệng độ 4.

Khai thác bệnh sử, trước khi nhập viện, bệnh nhi sốt, ói và được điều trị tại phòng khám tư. Sang ngày 4 mắc bệnh, bé sốt cao khó hạ, giật mình chới với nhiều cơn. Vì vậy, gia đình chuyển bé từ Trà Vinh đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu.

Nốt hồng ban ở trẻ mắc tay chân miệng

Tại bệnh viện, bác sĩ thăm khám ghi nhận mạch bé đã đập lên trên 200 lần/phút, suy hô hấp và da bông tái. Từ độ 3 tay chân miệng bệnh nhi đã tiến triển lên độ 4 sau 4 tiếng chuyển viện.

Nhanh chóng, các bác sĩ đã đặt nội khí quản cho bé thở máy, đồng thời, thiết lập lọc máu liên tục để loại trừ cơn bão cytokin gây sốt cao lên 40-41 độ C. Hiện bệnh nhi đáp ứng với những biện pháp hồi sức ban đầu, được điều trị cách ly và theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.

Trước đó, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM đã giải trình tự gien 6 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi mắc tay chân miệng là B5 - kiểu gien (subgenotype) của EV71. Đây là tác nhân khiến bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em.

Theo các bác sĩ, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến thường mắc ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng khi có viêm não, màng não, tủy sống hay viêm cơ tim, màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim.

Bệnh tay chân miệng hiện không có vắc-xin phòng ngừa. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là rửa tay sạch sẽ, phụ huynh tập cho trẻ không mút tay hay ngậm đồ chơi, rửa sạch đồ chơi của trẻ bằng xà phòng. Trẻ bị tay chân miệng cần nghỉ học để tránh lây cho bé khác.