Chắc chắn không ít lần bạn gặp cảnh chồng, cha hoặc bạn trai mình sau một bữa ăn nhậu về là than đau nhức khớp dữ dội. Khi đến bệnh viện thường được chẩn đoán: “Bị gút rồi!”.

Bệnh gút hay còn gọi là bệnh thống phong thường gặp ở nam giới tuổi trung niên trở lên. Trước đây căn bệnh này thường được gọi là “bệnh nhà giàu”, tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỉ lệ mắc bệnh gút trong cộng đồng càng ngày càng tăng và tuổi bị bệnh cũng trẻ hóa.

Các giai đoạn của bệnh Gút

Gút là một bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tính và có hiện tượng lắng đọng urat trong các tổ chức do tăng acid uric máu. Bệnh thường diễn biến qua 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Tăng acid uric máu không triệu chứng, diễn biến trong nhiều năm.

Giai đoạn 2: Cơn gút cấp với biểu hiện chính là sưng đau ở khớp. Cơn thường khởi phát đột ngột, biểu hiện sưng nóng đỏ đau dữ dội tại một hay nhiều khớp, vị trí thường gặp nhất là khớp bàn ngón chân cái.

Bệnh gút cấp thường biểu hiện với sưng đau dữ dội khớp - Ảnh minh họa: Internet

Giai đoạn 3: Bệnh gút giữa các cơn gút cấp. Bệnh nhân không đau, khớp hoạt động bình thường.

Giai đoạn 4: Gút mạn tính với sự lắng đọng tinh thể urat ở khớp, thận. Bệnh nhân gặp những biến chứng như xuất hiện hạt tophi quanh khớp, biến dạng khớp, hoặc suy thận, sỏi thận…

Nguyên tắc điều trị bệnh gút

Trong điều trị gút có 3 nguyên tắc bệnh nhân cần nhớ, đó là: Chống viêm khớp trong những đợt cấp, dự phòng đợt cấp tái phát và hạ acid uric máu. Ba nguyên tắc này được thực hiện dựa vào chế độ ăn uống và dùng thuốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng bệnh nhân tuân thủ đúng chế độ điều trị rất ít.

Không ít người bị bệnh gút chỉ quan tâm đến bệnh và dùng thuốc trong đợt cấp tính, sau đó thì ngưng, dẫn đến bệnh tiến triển nặng dần và gây ra các biến chứng.

Trong những đợt gút cấp, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại giường, dùng các thuốc kháng viêm không steroid và Colchicin để chống viêm, giảm đau và giảm sưng.

Sau khi qua đợt cấp, bệnh nhân cần dùng duy trì các thuốc có tác dụng làm hạ acid uric máu như Allupurinol (thuốc giúp ngăn ngừa sự tổng hợp acid uric trong cơ thể) hoặc Febuxostat (thuốc có tác dụng tăng cường đào thải acid uric qua nước tiểu).

Thêm đó, bệnh nhân cần được kiểm soát chức năng thận định kỳ.

Chế độ ăn uống cho người bị bệnh gút

Đặc biệt, trong suốt quá trình điều trị cũng như lâu dài, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng dành cho bệnh nhân bị gút. Cần lưu ý:

Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều purin như hải sản, các loại thịt có màu đỏ (thịt bò, dê…), phủ tạng động vật (tim, gan, thận…), trứng gia cầm, và những thực phẩm giàu đạm khác (thịt chó…).

Bệnh gút nên kiêng ăn thịt đỏ - Ảnh minh họa: Internet

Hạn chế uống rượu, bia, cà phê bởi chúng làm tăng tích lũy acid uric trong máu và dễ lắng đọng urat tại các khớp.

Tăng cường uống nhiều nước, tối thiểu 2 đến 3 lít nước mỗi ngày. Nên uống nước khoáng không ga có độ kiềm cao giúp làm giảm nồng độ acid uric trong nước tiểu, hạn chế sự kết tinh urat tại ống thận do đó sẽ làm giảm nguy cơ bị sỏi thận.

Ngoài ra, béo phì cũng là một yếu tố làm nặng bệnh gút nên bệnh nhân cần phải giảm cân,thông qua chế độ ăn uống và tập luyện.

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền TP.HCM