Theo đó, bệnh nhân B.Q.M. (14 tuổi) được người nhà đưa vào Khoa khám bệnh (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) trong tình trạng khó thở do vết thương sau lưng. Khai thác nhanh bệnh sử được biết trẻ bị vật sắc nhọn đâm vào trong quá trình xô xát khi tham gia hoạt động thể thao.

Nhận định vết thương sâu, nguy cơ thủng màng phổi nên ngay lập tức bệnh nhân đã được chuyển vào đơn vị Hồi sức cấp cứu. Công tác khẩn trương sơ cứu, hồi sức cho bệnh nhân đi kèm với chụp cắt lớp vi tính dể xác định mức độ tổn thương.

Vết thương sau lưng bệnh nhân.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy vết thương rách nhu mô phổi trái gây chảy máu màng phổi. Nếu không được phẫu thuật ngay sẽ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, gây nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy bệnh nhân đã được chuyển thẳng lên phòng mổ, bỏ qua những thủ tục hành chính khác.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy vết thương rách nhu mô thuỳ X phổi trái gây chảy máu nhiều khoang màng phổi.

Các bác sĩ phẫu thuật đã tiến hành khâu vết rách, lấy hết máu tụ và đặt 1 dẫn lưu khoang màng phổi, hút áp lực âm liên tục. Hiện tại, sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, tự thở, được rút ống dẫn lưu và dự kiến được xuất viện trong thời gian sớm.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hải – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, phụ trách phẫu thuật Lồng ngực, mạch máu Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, là người trực tiếp thăm khám và phẫu thuật cho biết, lồng ngực có nhiều cấu trúc như tim, phổi và các mạch máu lớn. Do vậy chấn thương ngực là một chấn thương vô cùng nghiêm trọng, là 1 trong 2 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em sau chấn thương sọ não, chủ yếu là do mất máu ( tổn thương tim, mạch máu lớn ..) và suy hô hấp ( tràn máu, tràn khí khoang màng phổi.).

Vết thương ngực hở là 1 trong 2 bệnh cảnh của chấn thương ngực, vết thương gây thủng khoang màng phổi làm khí từ bên ngoài tràn vào bên trong gây cản trở hô hấp. Phẫu thuật nội soi điều trị chấn thương ngực là một kỹ thuật khó, đòi hòi trình độ tay nghề cao nhằm mang lại hiệu quả tối đa với vết mổ nhỏ, thời gian nằm viện ngắn thay vì đường mổ dài, cắt nhiều lớp cơ thành ngực với nhiều biến chứng (sẹo xấu, thời gian nằm viện kéo dài, hạn chế cơ hô hấp….).

Ngoài ra, tuỳ theo hướng tác động của tác nhân mà có thể gây tổn thương các tạng trong ổ bụng. Do vậy, bắt buộc phải kiểm tra tính toàn vẹn của cơ hoành khi phẫu thuật. Nhiều trường hợp phải nội soi ổ bụng để kiểm tra để tránh bỏ sót tổn thương.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, những trường hợp có vết thương ngực cần nhanh chóng dùng gạc băng ép để tránh khí vào khoang lồng ngực. Trong trường hợp còn dị vật cắm trên thành ngực thì tuyệt đối không được rút ra dễ gây tổn thương nặng thêm cho bệnh nhân mà cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lí kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.