Bé tăng cân không kiểm soát

Bé gái L.M.T (11 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) vào viện với lý do béo mặt và bé thường xuyên bị đau đầu. Theo lời kể của cha mẹ bé, bé T. bị viêm mũi dị ứng nên thời gian gần đây bé đã mua thuốc  dạng xịt về xịt mũi cho dễ chịu. Thời gian điều trị kéo dài cả 1 năm. Mỗi lần nghẹt mũi, khó chịu bé T. lại xịt mũi và cái thuốc xịt này có chứa corticoid.

Ngay sau đó bé T. đã được các bác sĩ cho làm xét nghiệm và kết quả là bé bị hội chứng cushing. Đây là hội chứng do lạm dụng corticoid gây ra.

Trường hợp nam bệnh nhân N.Đ.M. (13 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng tương tự. M. được đưa đi khám với lý do tăng cân không kiểm soát trong vòng 4 năm qua. Trên vùng da của M. xuất hiện nốt bầm tím trên da không rõ nguyên nhân. Vùng da của em còn rậm lông hơn bình thường.

Bé M. được mẹ đưa đi khám. Ảnh BSCC

Mẹ của M. cho biết trước đây M. rất lười ăn và chị thường mua kích thích ăn về cho bé ăn và đến khi muốn hãm cân bé cũng không được nữa. Mẹ của bé cũng không nhớ con uống loại gì và chỉ biết được uống trong thời gian dài và sau đó bé được dùng thường xuyên, nếu dừng thuốc bé lại chán ăn ngay. Kết quả, bé mắc hội chứng Cushing do lạm dụng Corticoid.

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc, Chuyên khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Medlatec, những trường hợp trẻ nhỏ bị hội chứng cushing không phải là hiếm. Theo bác sĩ Ngọc trước đó cũng có những bệnh nhi được mẹ cho sử dụng thuốc hay ăn chóng lớn, các sản phẩm có chứa corticoid gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có hội chứng cushing. Nếu lạm dụng corticoid kéo dài còn có thể gây suy tuyến thượng thận.

Dấu hiệu của bệnh

Cha mẹ cần để ý kỹ nếu con có thói quen sử dụng sản phẩm nào đó trong thời gian dài sau đó các các triệu chứng béo phì, đặc biệt ở vùng mặt cần chú ý tới hội chứng cushing này.

Dấu hiệu của hội chứng cushing, người bệnh thường béo mập và phân bố mỡ không đều chủ yếu ở vùng mặt, thân người to ở vùng bụng, u vai nhưng chân tay nhỏ.

Corticoid nguy hiểm như thế nào - Ảnh minh họa: Internet

Tăng cân không đồng đều và tăng bất thường. Do tăng glucocorticoid gây tích tụ mỡ ở những vị trí đặc biệt như ở mặt, hay còn gọi là “mặt tròn như mặt trăng”; ở giữa 2 xương bả vai; tích tụ mỡ trên xương đòn và ở mạc treo ruột gây béo thân. Hiếm khi có tụ mỡ ở trung thất và ở xương ức. Lý do tích tụ mỡ ở các vị trí đặc biệt còn chưa rõ nhưng liên quan đến đề kháng insulin và tăng insulin máu.

Trên da, hội chứng cushing biểu hiện như bệnh nhân có dấu hiệu da mỏng, mặt đỏ, bầm tím máu sau va chạm gặp khoảng 45%, có các vết rạn nứt da gặp 50-70% thường có màu đỏ tím lún sâu dưới da như rạn da ở bà bầu. Các vết nứt nằm ở vùng bụng, ngực, đùi, mông.

Ngoài ra, trên mặt có xuất hiện nhiều lông, râu. Một số vùng cũng xuất hiện lông tóc nhiều hơn lúc bình thường, một số trẻ mọc lông sớm dù chưa dậy thì. Những dấu hiệu khác trẻ mất tập trung, mệt mỏi thậm chí đau đầu, rối loạn tâm thần.

Với những bệnh nhân như thế này, bác sĩ thường khám trên lâm sàng sau đó hỏi người thân của bệnh nhân về lịch sử dùng thuốc là để xác định bệnh rõ hơn. Khi nghi ngờ hội chứng cushing, bệnh nhân sẽ được cho xét nghiệm định lượng và các kỹ thuật cận lâm sàng khác.

Đặc biệt, bệnh nhân cần siêu âm tuyến thượng thận để tìm hiểu về chức năng của tuyến thượng thận. Những người bị cushing thường kèm theo suy tuyến thượng thận.

Bác sĩ Ngọc khuyến cáo hiện này corticoid được coi là thần dược và có mặt ở rất nhiều sản phẩm tá dược khác. Đặc biệt, corticoid còn được trộn vào các sản phẩm đông y, kem dưỡng da… đủ các loại thuốc khác nhau. Chính vì thế, nguy cơ lạm dụng corticoid hiện hữu ở khắp nơi.

Để phòng tránh lạm dụng corticoid, bác sĩ Ngọc khuyến cáo các bậc phụ huynh không tự ý mua các thuốc kháng viêm giảm đau không có đơn của bác sĩ. Khi sử dụng cần đọc kỹ tư vấn và đặc biệt nói không với các loại thuốc không có nguồn gốc rõ ràng. Không mua các sản phẩm thuốc đông y, thuốc nam dưới dạng viên hoàn, tễ vì khả năng trộn corticoid rất cao.