Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, ngày 24/5 bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bé gái 5 tuổi bị tắc ruột vì thói quen nuốt tóc.

Theo người nhà bệnh nhân, bé gái trên bị đau bụng quặn từng cơn, âm ỉ trong khoảng 5 ngày. Bé nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, bí trung đại tiện kèm theo ói dịch xanh nhiều.

TS.BS Trần Quốc Việt – Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận định: "Tình trạng tắc ruột của bé xuất phát từ hội chứng Rapunzel (Rapunzel syndrome), còn được gọi là hội chứng "công chúa tóc mây". Không lung linh như truyện cổ tích, hội chứng này ngoài đời thực là một vấn đề rất đáng lưu ý và gây ra biến chứng nguy hiểm như tắc ruột. Người bệnh có xu hướng thèm ăn tóc (trichophagia).

Trong khi đó tóc không thể tiêu hóa như thực phẩm khi dung nạp, dẫn đến tích tụ thành búi trong dạ dày hoặc trong ruột non và có thể kèm theo "một cái đuôi tóc dài" nằm dọc theo trong lòng ruột."

Búi tóc được gắp ra trong ruột bé gái mắc hội chứng Rapunzel (ảnh BVCC)

Được biết đây không phải là trường hợp đầu tiên mà các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận. Thực tế đơn vị này vẫn tiếp nhận các trường hợp tắc ruột bởi hội chứng Rapunzel. Hầu hết các trường hợp phải được phẫu thuật để lấy búi tóc ra khỏi đường tiêu hóa và tất cả các bệnh nhi đều cần được theo dõi, điều trị tâm lý lâu dài sau đó.

Nguyên nhân gây nên hội chứng này hiện vẫn chưa được xác định, có thể là do khiếm khuyết về trí tuệ, rối loạn tâm thần, chấn động tâm lý từ thơ ấu, gặp căng thẳng quá mức… nhưng không được can thiệp kịp thời. Không ngoại trừ khả năng trẻ thiếu sắt hay mắc Celiac - một bệnh lý đường ruột do nhạy cảm với gluten - một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch.
Hội chứng này lần đầu được báo cáo vào năm 1968. Đây là hội chứng khiến người mắc thích nhổ và ăn tóc của chính mình, thậm chí nhổ cả tóc người xung quanh để ăn và thường xuất hiện ở nữ giới dưới 20 tuổi (chiếm 70%).

Hội chứng Rapunzel syndrome được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và bệnh nhân cần được điều trị tâm lý lâu dài sau phẫu thuật, đồng thời bổ sung các vi chất để ngăn ngừa việc ăn tóc lặp lại.

Các bác sĩ khuyến cáo, bố mẹ, người thân và những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cần quan sát kỹ lưỡng khi chăm sóc bé nhằm phát hiện sớm, đồng thời tham gia cùng nhân viên y tế trong việc hỗ trợ hạn chế hành vi nuốt tóc và nâng đỡ tinh thần cho con, tránh để trẻ lặp lại tình trạng này.