Nếu bạn đã từng đối mặt với kẻ thao túng cảm xúc, bạn sẽ biết nó có thể khiến bạn kiệt sức như thế nào. Chúng có thể bóp méo lời nói của bạn, khiến bạn nghi ngờ trí nhớ của mình và thậm chí khiến bạn nghi ngờ giá trị bản thân.
Đây không phải là vấn đề nhỏ. Thao túng cảm xúc là một mối lo ngại nghiêm trọng có thể dẫn chúng ta đến những bối rối và sự đau khổ. Dưới đây là 8 cách người khôn ngoan vẫn thường dùng để phát hiện kẻ thao túng cảm xúc:
1. Hành vi không nhất quán
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của người thao túng cảm xúc là hành vi không nhất quán. Lúc này, họ có thể dành cho bạn tình cảm một cách rõ ràng, thường xuyên trao những lời khen ngợi. Nhưng ngay sau đó, họ có thể trở nên lạnh lùng và xa cách mà không có lý do rõ ràng.
Trong tâm lý học, đây được coi là một chiến thuật thao túng cổ điển. Mục đích là họ muốn khiến bạn bối rối, khó xác định chính xác điều gì là sai, dẫn đến sự nghi ngờ bản thân và lo lắng.
Sự không nhất quán không chỉ ở tâm trạng của họ mà còn có thể được phản ánh trong lời nói và hành động. Họ có thể hứa với bạn điều gì đó nhưng rồi lại nuốt lời vào ngay ngày hôm sau.
2. Sự quyến rũ quá mức
Nhìn bề ngoài, một kẻ thao túng cảm xúc có thể tỏ ra cực kỳ lôi cuốn và quyến rũ. Họ có khả năng khiến bạn cảm thấy đặc biệt và có giá trị, thường là ngay từ khi hai người bắt đầu tương tác. Sự cuốn hút này có thể mạnh đến mức khiến bạn mù quáng trước những chiến thuật lôi kéo sau đó.
Tâm lý học giải thích rằng đây là một động thái có tính toán. Khi họ thu hút bạn bằng sự quyến rũ, họ đang tạo ra mối liên kết tình cảm khiến bạn khó nhận ra. Bạn thậm chí có thể bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng phán đoán của chính mình thay vì đối phương khi xảy ra chuyện.
Việc bị thu hút bởi những người quyến rũ là điều hết sức tự nhiên, nhưng sự quyến rũ quá mức đôi khi có thể là một dấu hiệu nguy hiểm. Nếu sự quyến rũ của ai đó mang lại cảm giác gượng ép hoặc dường như che đậy những mâu thuẫn trong hành vi của họ, đó có thể là dấu hiệu của sự thao túng cảm xúc.
3. Thao túng
Đó là khi người thao túng cố gắng khiến bạn đặt ra câu hỏi về thực tế hoặc sự tỉnh táo của chính mình. Họ có thể phủ nhận những điều đã xảy ra, gạt bỏ cảm xúc của bạn hoặc thuyết phục bạn rằng trí nhớ của bạn không chính xác.
Chiến thuật này đặc biệt có hại vì nó làm xói mòn niềm tin của bạn vào bản thân mình và nhận thức về thực tế. Theo thời gian, bạn có thể bắt đầu nghi ngờ những trải nghiệm và cảm xúc của mình, dẫn đến cảm giác bối rối và lòng tự trọng thấp.
Vì vậy, nếu ai đó luôn thách thức trí nhớ của bạn hoặc khiến bạn cảm thấy như mình đang “phản ứng thái quá” hoặc “tưởng tượng ra mọi thứ”, đó có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang thao túng bạn.
4. Thiếu sự đồng cảm
Đây là đặc điểm chung của những người thao túng cảm xúc. Họ có thể tỏ ra không quan tâm hoặc phớt lờ cảm xúc của bạn, coi nhẹ chúng.
Hãy nhớ rằng, mọi người đều có quyền bày tỏ cảm xúc của mình và những cảm xúc đó xứng đáng được ghi nhận, tôn trọng. Nếu ai đó không có hiểu biết cơ bản này, điều đó có thể cho thấy họ đang thực hành thao túng cảm xúc của bạn. Bạn xứng đáng được đối xử tử tế và tôn trọng. Việc nhận ra những dấu hiệu này là một bước để đảm bảo bạn luôn ở bên những người coi trọng cảm xúc của mình.
5. Đóng vai nạn nhân
Tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc cảm thấy như cả thế giới đang chống lại mình. Nhưng với những người thao túng cảm xúc, đây không chỉ là cảm giác thoáng qua mà là một chiến thuật phổ biến.
Thông thường, những người thao túng sẽ đóng vai nạn nhân để có được sự đồng cảm và kiểm soát. Họ có thể phóng đại vấn đề của mình, đổ lỗi cho người khác hoặc cho rằng bản thân luôn bị đối xử bất công.
Mục đích của họ là khiến bạn cảm thấy tội lỗi hoặc có nghĩa vụ phải giúp đỡ họ, ngay cả khi tình huống không hề liên quan hay là lỗi của bạn. Nếu bạn thấy mình liên tục phải cố gắng “khắc phục” tình huống cho ai đó hoặc cảm thấy tội lỗi vì những việc vốn không thuộc trách nhiệm của mình, đó có thể là dấu hiệu của sự thao túng.
6. Cảm giác tội lỗi
Một chiến thuật phổ biến nữa của những kẻ thao túng cảm xúc là gây ra cảm giác tội lỗi. Họ biết cách sử dụng cảm giác tội lỗi của bạn như một công cụ để đạt được điều họ muốn.
7. Thường xuyên đưa “tối hậu thư”
Nếu ai đó liên tục sử dụng chiến thuật này, đó là dấu hiệu rõ ràng của sự thao túng. Những người thao túng cảm xúc thường sử dụng “tối hậu thư” để kiểm soát người khác và làm theo ý mình. Họ khiến bạn cảm thấy như bản thân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân theo yêu cầu của họ vì sợ mất đi mối quan hệ hoặc phải đối mặt với những hậu quả nặng nề.
Mọi mối quan hệ nên được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau, không phải đe dọa và ép buộc. Bạn có quyền đưa ra những lựa chọn có lợi nhất cho mình mà không phải cảm thấy tội lỗi hay sợ hãi.
8. Hãy tin vào bản năng của bạn
Một trong những cách tốt nhất để phát hiện kẻ thao túng cảm xúc là tin vào trực giác của bạn. Nếu có điều gì đó khiến bạn cảm thấy không ổn thì có lẽ sự thật đúng là như vậy.
Cảm xúc của bạn có giá trị và bạn hiểu rõ bản thân mình hơn bất kỳ ai khác. Nếu bạn thường cảm thấy không thoải mái, bối rối hoặc khó chịu sau khi tương tác với một người, đừng bỏ qua những cảm giác đó. Chúng có thể cho thấy bạn đang bị thao túng.
Nhớ rằng, mọi người đều xứng đáng có được những mối quan hệ mà họ cảm thấy được trân trọng và an toàn. Đừng để bất cứ ai thao túng cảm xúc của bạn hoặc khiến bạn nghi ngờ giá trị của chính mình.
Hãy tin vào bản năng của bạn, coi trọng cảm xúc của mình và đừng ngại thiết lập những ranh giới lành mạnh.