Theo báo Dân Trí, ngày 12/10, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết, bệnh viện này đang tiếp nhận điều trị bệnh nhi P.B.B.N (5 tuổi, ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bị nhiễm Whitmore.

Bệnh nhi nhập viện ngày 3/10, với triệu chứng ban đầu là sưng dưới góc hàm trái, kích thước khoảng 3x2 cm, nóng, đỏ, đau.

Người nhà cho biết, bé bị sốt đã lâu, gần đây nổi hạch góc hàm nên gia đình đình xin vào viện để khám, điều trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị áp-xe tuyến mang tai trái nghi do nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên bệnh Whitmore.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp nhận, điều trị ca thứ 2 bị nhiễm Whimore. Ảnh: Dân Trí.

Từ đầu tháng 10 đến nay, đây là ca bệnh Whitmore thứ 2 được phát hiện và điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trước đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cũng tiếp nhận điều trị kịp thời ca bệnh Whitmore cho bệnh nhân N.T.N (29 tuổi, ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên).

Thời gian qua, những ca bệnh Whitmore quay trở lại đã gây lo lắng cho người dân. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị.

Vì thế bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người dân không nên quá hoang mang. 

"Hiện nay, bệnh whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh. Cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp vệ sinh cá nhân, tăng cường phương tiệnphòng hộ lao động, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với bùn đất, nước nhiễm bẩn. 

Bên cạnh đó cần xử lý tốt các viết thương ngoài da nếu bị trầy xước, nhiễm trùng và nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", PGS. Cường khuyến cáo. 

Từ ngày 16-18/10/2019, tại Hà Nội, Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh, Vi sinh và Môi trường Y học - Đại học Y khoa Graz - Áo đăng cai tổ chức Hội thảo Khoa học bệnh Whitmore toàn cầu lần thứ 9.

Hội thảo lần này bao gồm 65 bài báo cáo trình bày tại 11 phiên họp và 103 bài báo cáo poster thông tin về bệnh Whitmore của hơn 100 nhà khoa học đến từ 26 quốc gia. 

Thời gian qua, Whitmore được lan truyền nhanh chóng trên các phườn tiện truyền thông với những thông tin sai sự thật, vô căn cứ, thiếu tính khoa học, gây hoang mang dư luận và tạo tâm lý lo lắng cho người dân.