Nước mía tươi là nguồn cung cấp dồi dào các khoáng chất như: photpho, kali, canxi, sắt và magiê, vitamin A, vitamin B phức hợp, C và E. Mỗi 100 ml nước mía chứa 39 calo và 9g carbohydrate.

Theo bác sĩ y học cổ truyền Lê Thị Thảo Quyên, trong Đông y, mía có vị ngọt tính mát; vào phế, vị. Mía được mệnh danh "Thang thuốc phục mạch". Mía chủ bổ khí kiêm hạ khí, bổ dưỡng, đại bổ tỳ âm, dưỡng huyết cường gân cốt, an thần trấn kinh tức phong, tả phế nhiệt, lợi yết hầu, hạ đờm hỏa, chi nôn, hòa vị, tiêu phiền nhiệt.

Nước mía có nhiều giá trị với sức khỏe (Ảnh: Getty).

"Mía có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, giáng khí lợi niệu. Mía trị thử nhiệt vốn là nguyên nhân làm tổn thương tân dịch, đau họng, khản giọng, mất tiếng, viêm khí phế quản, ho đau rát họng, tiểu ít tiểu rắt, nhiễm độc thai nghén nôn ói phù nề, mất nước khát nước, táo bón", BS Quyên cho hay.

Đáng chú ý, nước mía có khả năng giải độc rất tốt. Theo BS Quyên, bởi vì nước mía có tác dụng lợi tiểu, nó giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, nước mía giàu chất flavonoid và hợp chất phenolic.

Flavonoid được biết đến như một chất kháng viêm, chống ung thư, chống oxy hóa, kháng virus và chống dị ứng cơ thể. Vì thế những người bị vàng da do viêm gan, uống nước mía sẽ bảo vệ gan khỏi bị viêm (có thể cải thiện tình trạng viêm gan).

Dưới đây là những lợi ích sức khỏe nổi bật của nước mía:

- Cung cấp năng lượng: Nước mía có chứa đường, vitamin và khoáng chất, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể.

- Tốt cho hệ tiêu hóa: Nước mía có tính kiềm, có thể giúp cân bằng độ pH của dạ dày và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

- Tăng cường hệ miễn dịch: Nước mía chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại các bệnh tật.

- Giảm căng thẳng: Nước mía có chứa magiê, có tác dụng giảm căng thẳng và mệt mỏi, giúp bạn cảm thấy thư giãn và sảng khoái.

- Giảm cholesterol: Nước mía có chứa flavonoid, giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

- Tốt cho da: Nước mía chứa nhiều vitamin C và E, giúp tăng cường sức khỏe của da và giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa.

- Giảm viêm: Nước mía có tính kháng viêm, giúp giảm viêm và đau nhức trong cơ thể.

Lưu ý khi uống nước mía

Theo BS Quyên, những người có tỳ vị hư hàn, tiêu chảy nên thận trọng khi uống nước mía hoặc chỉ nên dùng mía nước hoặc nước mía đun sôi.

"Nước mía có tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên đối với người có đường ruột yếu, hay đầy bụng và đi phân lỏng thì không nên sử dụng nước mía thường xuyên", BS Quyên phân tích.

Bên cạnh đó, nước mía là một loại thực phẩm chứa hàm lượng đường cao chiếm tới 70%, đây là nguồn cung cấp năng lượng và calo tuyệt vời nhưng cũng có thể khiến bạn tăng cân, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nếu tiêu thụ nhiều. Không uống quá nhiều dù rất khát.

"Bạn chỉ nên uống nước mía với lượng vừa phải, không nên dùng kéo dài. Với người khỏe mạnh chỉ nên dùng 100-200ml nước mía mỗi ngày", BS Quyên khuyến cáo.