Gia tăng nạn bạo hành nhân viên y tế

Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 đến hết năm 2016, cả nước ghi nhận ít nhất 22 vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ, nhân viên y tế. Năm 2017, có tổng cộng 13 vụ.

Trong số các vụ bạo hành y tế, 70% nạn nhân là bác sỹ, 15% là điều dưỡng. 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sỹ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Đã có hai trường hợp nhân viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là bác sỹ Trần Văn Giàu - Bệnh viện đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) xảy ra vào năm 2012. Mới đây nhất, một nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn (Quảng Nam) cũng đã tử vong trong khi ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.

Đây là những con số báo động được đưa ra tại hội thảo "Bảo vệ Blouse trắng" năm 2019 với chủ đề an toàn vệ sinh lao động-phòng chống bạo hành nhân viên y tế tại cơ sở y tế diễn ra ngày 29/10 tại Hà Nội.

PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đã bày tỏ mối lo ngại khi hiện nay, cán bộ y tế đang đối mặt với nhiều thách thức, áp lực.

“Tình trạng bạo hành với nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ đang có xu hướng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng về mức độ. Đó là chưa kể những vụ bạo hành về tinh thần, hậu quả để lại tuy vô hình nhưng gây tâm lý bất an, thậm chí hoang mang, đối với cán bộ, nhân viên y tế”, PGS. Bình nói.

PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: T.H 

Gần 2000 cán bộ y tế bị ung thư, bệnh hiểm nghèo

Theo PGS. Bình, ngoài mối nguy bị bạo hành, nhân viên y tế còn phải đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm từ chính công việc của mình.

Hóa chất, nóng nực, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý stress. Đáng lo ngại là các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp.

Thời gian qua, Công đoàn Y tế Việt Nam thống kế sơ bộ ở một số tỉnh và đơn vị trực thuộc bộ đã có gần 2000 đoàn viên là cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo.

Thực trạng bác sĩ bị người nhà bệnh nhân bạo hành đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ảnh: M.K

Cũng tại Hội thảo này, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ ngoài việc bị bạo hành, nhân viên y tế còn đối mặt với rất nhiều mối rủi ro khác.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: “Nếu có máy đo đếm về tâm lý, môi trường của con người thì có lẽ môi trường tâm lý ở bệnh viện là đặc biệt nhất. Tâm trạng, nhịp tim đập mạnh nhất có lẽ ở bệnh viện.

Nhiều nhân viên y tế phải làm việc với một điều kiện yêu cầu hết sức căng thẳng, tiến hành mổ hàng chục giờ. Có nhiều nhân viên y tế có những giấc ngủ không ngon.

Có nhiều người vui vì nghề, có người rất buồn, thậm chí tủi về nghề. Nhiều anh chị em nhân viên y tế khó khăn, nghèo đói như ở vùng sâu, vùng xa, nhiều y tế cắm bản cả năm không được gặp người thân. Đó là điều đáng suy nghĩ.

Tôi cho rằng cần có sự chung tay hành động bảo vệ Blouse trắng. Sự hi sinh thầm lặng của họ cần được trân trọng, chia sẻ và cần cả xã hội bảo vệ để họ yên tâm làm tốt công việc, bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta”. 

Bị người nhà bệnh nhân bạo hành, nỗi ám ảnh của các thầy thuốc. Ảnh cắt từ clip.

Tối 15/4/2019, một bệnh nhi 5 tuổi vào khám tại Bênh viện đa khoa (BVĐK) thành phố Vinh vì đau bụng.

Sau khi bác sĩ khám và siêu âm, mọi thứ đều bình thường, bác sĩ đề nghị cho bé nằm theo dõi thì người nhà cháu bé đã có lời qua tiếng lại, xông vào đánh bác sĩ.

Bác sĩ bị hành hung là bác sĩ Nguyễn Huy Hướng, một bác sĩ trẻ mới ký hợp đồng với bệnh viện. Thậm chí, họ đã chửi bác sĩ Hướng và doạ giết bác sĩ vì “không biết khám bệnh”. 

Tối 26/6, trong lúc đợi vợ sinh tại Khu A, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Nguyễn Công Lâm (32 tuổi) nghe loa phát thanh thông báo của bệnh viện phát ra tiếng hú lớn, kéo dài gây khó chịu nên liên hệ nhân viên đề nghị tắt loa.

Trong khi đợi sửa chữa loa, Lâm đã xông vào khu vực cấp cứu của Khoa Sản, dùng tay đấm vào mặt bác sĩ. Qua chẩn đoán bước đầu, nữ bác sĩ bị chấn thương vùng mặt, hoảng loạn tinh thần. Tại cơ quan điều tra, Lâm thừa nhận đánh bác sĩ trong tình trạng say rượu.

Ngày 8/8/2019, anh Đinh Việt Bắc (Ý Yên, Nam Định) khi đưa con gái vào Bệnh viện đa khoa Ninh Bình để xử lý vết thương trên trán.

Cho rằng các y, bác sĩ của viện đã không nhiệt tình điều trị cho con gái mình, Bắc đã chửi mắng rồi bất ngờ lao vào đấm đá y, bác sĩ. Đinh Việt Bắc đã bị tạm giữ hình sự về hành vi "Gây rối trật tự công cộng"

Đây chỉ là một số rất nhiều vụ việc bạo hành nhân viên y tế xảy ra trong năm 2019.

Mới đây, mạng xã hội “dậy sóng” với clip ghi lại hình ảnh người nhà bệnh nhân đang được truyền dịch nhưng đã lao vào tấn công bác sĩ. Cả hai lao vào đánh nhau, dùng ghế để tấn công nhau. Có ý kiến cho rằng bác sĩ không nên đánh lại người nhà bệnh nhân.

Tuy nhiên, có luồng ý kiến khẳng định ủng hộ bác sĩ tự vệ trong bối cảnh vấn nạn bạo hành nhân viên y tế quá nhức nhối như hiện nay. Bởi bác sĩ cũng là con người, mạng sống, sự an toàn là điều thiêng liêng nhất.