Mới đây, mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại hình ảnh một ông bố trẻ ở Mỹ Tho (Tiền Giang) say rượu đánh tới tấp vào mặt một đứa trẻ. Trong clip ghi lại, người bố này còn dọa giết hai mẹ con cậu bé khi được hàng xóm can ngăn.
Sau khi clip ông bố trẻ đánh con được lan truyền trên mạng xã hội, ngày 17/10, nhiều người đã tìm đến tận nhà để 'trừng phạt', đánh ông bố đã bạo hành con này. Tại đây, đám đông khoảng 20 người bày tỏ phẫn nộ rồi bất ngờ lao vào đánh tới tấp người bố. Vụ việc này đã được ghi hình và tung lên mạng xã hội.
Nạn nhân trong bộ dạng cởi trần và gương mặt đầy máu tiếp tục bị nhóm người trên đạp, đánh kèm theo chửi bới. Lúc này, ông bố cũng giải thích nguyên nhân đánh con trai vì cậu bé không chịu ngủ và ông bố cũng vừa đi nhậu về.
Sau khi clip đám đông “dạy dỗ” ông bố tát con tung lên mạng xã hội đã nổ ra cuộc tranh cãi với quan điểm trái chiều. Nhiều người tỏ ra hả hê vì ông bố phải lãnh hậu quả từ việc làm ác độc của mình với con trẻ. Tuy nhiên, một bộ phận cư dân mạng lại không đồng tình với cách xử lý của đám đông.
PV Phụ nữ Sức khỏe đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp về vụ việc này. Luật sư Cường bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách đám đông xử lý người bố bằng hình thức bạo lực như vậy.
“Hành động nghĩa hiệp, bênh vực nạn nhân chỉ được phép thực hiện khi hành vi đánh người đang diễn ra. Tức là đám đông có thể can ngăn, thậm chí chống lại ông bố khi người này đang có hành vi bạo lực với con cái. Còn ở đây, sự việc đã xảy ra, đám đông tự xông đến nhà xử lý ông bố như vậy là không được pháp luật cho phép”, Luật sư Cường bày tỏ.
Theo luật sư Cường, việc mọi người cần làm khi phát hiện ông bố đánh con là trình báo với công an, hội bảo vệ trẻ em để có biện pháp răn đe, bảo vệ cháu bé. “Đúng là hành vi của ông bố tát con liên tiếp là không thể chấp nhận được. Thế nhưng pháp luật không cho phép dùng một hành vi vi phạm pháp luật để xử lý một hành vi vi phạm”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường nhận định theo những gì diễn ra trên clip, hành động của đám đông đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, nhóm người trên có thể bị xử lý về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, hành vi đám đông đánh đập ông bố nếu giám định có kết quả gây thương tích từ 11%, xuất phát từ việc cố ý thì nhóm người này có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ Luật Hình sự. Việc đám đông đăng clip lên mạng xã hội nếu tác động tiêu cực đến tâm lý nạn nạn nhân thì sẽ phải đối mặt với tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ Luật Hình sự.