Mỗi ngày 10 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung

Con số báo động này được PGS.TS. Lưu Thị Hồng, Giảng viên Đại học Y Hà Nội đưa ra tại Hội nghị Khoa học Sản phụ khoa – Hỗ trợ sinh sản nhân kỷ niệm tái thành lập khoa Phụ - Sản, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 29/11.

Theo đó, tại Việt Nam, cứ 2.4 giờ lại có một phụ nữ tử vong vì căn bệnh ung thư cổ tử cung. Trung bình một ngày có 10 ca tử vong do căn bệnh này.

Tỉ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung xếp hàng thứ hai trong các loại ung thư ở nữ giới và đây cũng là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ hai trong các loại ung thư ở nữ giới.

Hội nghị Khoa học Sản phụ khoa – Hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 29/11. Ảnh: Thu Hà

“Ung thư cổ tử cung gây ra bởi vi rút HPV, nhiễm dai dẳng ở cổ tử cung. Vi rút này sinh u nhú ở người, chỉ gây bệnh trên biểu mô da và màng nhầy. Thường gặp u nhú trên da, đường hô hấp và đặc biệt là vùng hậu môn sinh dục.

Có tới 80% phụ nữ có một lần nhiễm HPV trong cuộc đời. Hầu hết nhiễm HPV xảy ra không có triệu chứng, nhiều khi tự hết mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, mối nguy hiểm khi một số type HPV có khả năng gây ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Chủng HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất, chúng được tìm thấy ở 70% trong tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung”, PGS. TS. Lưu Thị Hồng cho biết.

Điều đáng nói là vi rút HPV có thể lây truyền theo nhiều con đường khác nhau. Phổ biến nhất là lây lan qua con đường quan hệ tình dục, tiếp xúc tình dục tay và cơ quan sinh dục và thói quen “yêu” bằng miệng, đặc biệt là ở người trẻ có tần suất quan hệ tình dục cao.  

Ngoài ra, vi rút này có thể lây lan qua việc sử dụng chung đụng đồ lót, găng tay phẫu thuật, kềm bấm sinh thiết không được tiệt trùng đúng quy định. Người mẹ nhiễm vi rút HPV cũng có thể lây cho con trong quá trình sinh nở.

“Nữ giới quan hệ tình dục trước 17 tuổi, giao hợp với nhiều người, sinh nở nhiều lần, suy giảm miễn phí, yếu tố nội tiết, mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục là những yếu tố thuận lợi cho ung thư cổ tử cung phát triển”, PGS. Hồng nói.

Ung thư cổ tử cung đang trở thành mối đe dọa với phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa.

Sàng lọc “bệnh chết người” bằng cách nào?

Theo PGS. Hồng, ngoài việc trang bị kiến thức sức khỏe sinh sản, tốt nhất chị em nên thực hiện quan hệ tình dục an toàn và tiêm vắc – xin HPV để phòng ngừa căn bệnh ung thư cổ tử cung.

Bên cạnh đó, sàng lọc, điều trị các tổn thương tiền ung thư, phát hiện, điều trị ung thư giai đoạn sớm là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát bệnh "chết người" này.

Thực hiện các xét nghiệm để phát hiện vi rút HPV, sàng lọc ung thư cổ tử cung là điều chị em cần thực hiện định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Ảnh minh họa.

Hiện nay chúng ta có các phương pháp test sàng lọc ung thư cổ tử cung đó là khám phụ khoa định kỳ, VIA nhằm quan sát cổ tử cung bằng mắt thường sau khi bôi axit acetic, xét nghiệm vi rút HPV, xét nghiệm tế bào cổ tử cung, soi cổ tử cung cho độ nhạy rất cao, lên tới trên 90 – 95%.

“Tất cả phụ nữ đang ở độ tuổi sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao gây ung thư. Bệnh ung thư cổ tử cung đang trở thành gánh nặng với phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu.

Chị em cần có ý thức khám phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư cổ tử cung từ sớm để điều trị hiệu quả. Các xét nghiệm ung thư cổ tử cung định kỳ có giá trị rất lớn trong việc phát hiện và xử lý sớm những bất thường trước khi chúng trở nên nghiêm trọng”, PGS. Lưu Thị Hồng khuyến cáo.

Theo ghi nhận ung thư 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Những con số trên như hồi chuông cảnh báo để chị em phụ nữ quan tâm hơn đến sức khỏe của mình nhiều hơn nữa.

Những con số “giật mình” về căn bệnh ung thư cổ tử cung và vi rút HPV:

-Nhiễm HPV mới nhất có thể xảy ra bất cứ tuổi nào.

-Tần suất nhiễm HPV cao nhất (khoảng 20%) ở phụ nữ dưới 25 tuổi.

-Tỷ lệ nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao khoảng 5% đối với phụ nữ trong độ tuổi 25 – 55 tuổi/

-Tuổi càng cao thì càng ít nhiễm mới HPV nhưng nguy cơ nhiễm mãn tính lại gia tăng.

-Nhiễm HPV là nguyên nhân gây nên ung thư cổ tử cung. Khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV là nhóm nguy cơ cao gây ung thư.

-Tại Việt Nam, cứ 2.4 giờ lại có một người phụ nữ Việt Nam tử vong vì bệnh ung thư cổ tử cung.