Nép mình trong con hẻm nhỏ trên đường Đào Duy Từ (quận Phú Nhuận, TPHCM) là căn nhà thuê mà nghệ sĩ Bạch Long gắn bó gần chục năm qua. Được sự giới thiệu của người quen, Bạch Long dọn về đây để có chỗ an cư tuổi già. Chi phí thuê nhà mỗi tháng hết 5-6 triệu đồng - số tiền tương đối cao so với mức thu nhập hiện tại của ông.

"Đồng lương của tôi khá bấp bênh, có tháng hao hụt không đủ trang trải cuộc sống. Sân khấu kịch không phải đêm nào cũng có suất diễn, có khi cả tháng chỉ diễn 1 suất. Tháng nào may mắn được mời tham gia gameshow thì tôi có thêm chút đỉnh bỏ túi, xài "rón rén" trong mức thu nhập cho phép", Bạch Long kể. 

Nhìn Bạch Long, mấy ai nghĩ rằng nghệ sĩ hơn 55 năm cống hiến cho nghệ thuật, mang đến cho đời biết bao vở diễn thành công lại phải chịu cảnh "thiếu ăn, thiếu mặc" ở tuổi U70 thế này. 

Bạch Long sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Từ năm 10 tuổi, ông đã bén duyên với sân khấu. Ở lĩnh vực cải lương, Bạch Long ghi dấu ấn với khán giả qua các vai Thánh Gióng, Tôn Ngộ Không, Trần Quốc Toản…

Chuyển sang kịch nói từ năm 2000, ông tiếp tục gây ấn tượng với vai Chú chó Lulu, Vua bọ cạp trong "Ngày xửa ngày xưa".

Phòng khách nhỏ là nơi cất giữ những hồi ức, kỷ niệm làm nghề của Bạch Long. Có những món đồ được ông giữ gìn cẩn thận từ mấy chục năm qua. Từng ngóc ngách trong căn nhà đâu đâu cũng là kỷ niệm, được nghệ sĩ gìn giữ và nâng niu như kho báu của mình. 

Chiếm 1/3 diện tích phòng khách là bàn thờ Tổ được Bạch Long trang hoàng lộng lẫy. Nghệ sĩ nói, ông tin luôn có Tổ nghề che chở và bảo vệ mình suốt mấy chục năm qua. Bạch Long kể, bao lần gặp biến cố, có lúc cứ tưởng như cái chết cận kề nhưng nhờ có Tổ mà ông chưa phải chịu đói ngày nào.

"Ngó vậy mà nhà tôi cái gì cũng có, chỉ thiếu mỗi cái gian bếp (cười). Bao năm tôi ăn "cơm hàng cháo chợ" quen rồi nên cũng không thích bày biện nấu nướng trong nhà. Xung quanh đây có rất nhiều hàng quán, muốn ăn cơm, cháo hay phở thì cứ mua mang về là được", nam nghệ sĩ bộc bạch. 

Múa võ là cách nghệ sĩ Bạch Long khởi động chân tay mỗi ngày sau khi ngủ dậy. Không tập thể dục như người khác, nam nghệ sĩ tận dụng mấy bài võ học được từ thời xưa để giúp mình dẻo dai hơn. Ngày nào ông cũng tập như thế, riết thành thói quen...

Chiếc laptop "dày cui" là món quà mà hàng xóm tặng cho Bạch Long 5 năm trước. Ông không xài mạng xã hội hay điện thoại thông minh. Bao năm qua, chiếc laptop cũ kỹ là người bạn giúp Bạch Long đến gần hơn với thời đại 4.0.

Mỗi sáng, nghệ sĩ ngồi đây để đọc tin tức, cập nhật thời sự. Thỉnh thoảng, ông thấy vui khi thấy đâu đó trên YouTube có người đăng tải hình ảnh về mình.

Bạch Long hào hứng khoe với chúng tôi về cuốn kịch bản các vở diễn do ông sáng tác. Để gõ từng chữ trên chiếc bàn phím 24 chữ cái là điều không dễ dàng với nghệ sĩ ở tuổi U70. Chính vì thế, mỗi lần muốn soạn thảo kịch bản, ông đều viết lên giấy, sau đó nhờ người khác đánh máy giúp. 

Khoảng 8h sáng, Bạch Long chuẩn bị quần áo đến địa điểm tập diễn. Cái tính mộc mạc giản dị của ông thể hiện rõ qua bộ quần áo, cái mũ và cả đôi dép. Mẫu áo kiểu Thái là trang phục được ông "ưa chuộng" trong tủ đồ. Ông kể có lần sang Thái Lan mua chiếc áo mặc chơi, ai ngờ ưng quá nên ông đặt may mấy cái để dành.

Mũ nồi là vật không thể thiếu mỗi khi Bạch Long ra đường. Ông tùy hứng lấy một cái trùng với màu áo rồi vội vàng rời khỏi nhà...

Chiếc xe máy nhỏ này là phương tiện đã đồng hành cùng Bạch Long gần chục năm qua. Vừa dắt xe, ông vừa khoe: "Thấy chiếc xe nhỏ của tôi không? Người tôi trông thế nào thì xe cũng thế đó" (cười).

Bạch Long kể, ngày xưa ông đi chiếc xe cao và cồng kềnh hơn nhưng có lần chân bị đau không chống xe nổi, ông quyết định dành dụm để mua chiếc xe khác vừa vặn hơn với mình.

"Người ta nói Bạch Long nổi tiếng như vậy chắc giàu có lắm nhưng đâu ai nghĩ tôi đi xe máy bình dị như vậy. Có khi thấy Bạch Long chạy xe ngoài đường, người ta lại không tin. Họ nghĩ chắc ông này diễn, kể khổ", nghệ sĩ chia sẻ với chúng tôi. 

Chị bán xôi hay chú bán cà phê lề đường chính là một mảnh ghép quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của Bạch Long. Thỉnh thoảng trên đường đến địa điểm tập, Bạch Long tấp vào các hàng quán vỉa hè để mua đồ ăn, nước uống như bao người...

Những ngày này, Bạch Long cùng các nghệ sĩ trong nhóm Đồng Ấu Bạch Long tập cho vở diễn mới. Trong tháng 6, ông sẽ dành thời gian cho các vở kịch thiếu nhi, cụ thể là Ngày xửa ngày xưa.

Nhắc về mối lương duyên với sân khấu kịch, trong phút nghẹn ngào, nam nghệ sĩ nhớ lại: "Năm 1996, Đồng Ấu gặp biến cố, tôi trắng tay. Giữa lúc đối diện với cái đói, tôi nhận được lời mời đóng thế vai vở Ba chàng lính ngự lâm của đạo diễn Hùng Lâm ở sân khấu kịch Idecaf (do Huỳnh Anh Tuấn làm Giám đốc). Sau đó, họ giữ tôi ở lại. Tôi bén duyên với sân khấu kịch từ năm 2000". 

Bạch Long cho biết sân khấu Idecaf là nơi đã "cưu mang" ông giữa lúc khốn khó nhất. Giai đoạn đầu, nghệ sĩ được đạo diễn thương nên mời đóng rất nhiều vở. Từ đó, hình ảnh Bạch Long trở nên gần gũi hơn với khán giả xem kịch. Vai Chú chó Lulu, Vua bọ cạp trong Ngày xửa ngày xưa trở thành những dấu ấn trong sự nghiệp của ông.

"Bao năm qua, công việc ở sân khấu kịch đã nuôi sống tôi, tuy không giàu có như bao người nhưng tôi vẫn gói ghém để đủ cơm ngày 3 bữa", Bạch Long trải lòng. 

Nhắc đến sân khấu kịch, Bạch Long bỗng rơi vào "khoảng tối" khi trong lòng mang đầy những trăn trở. Đối với ông và những người làm kịch, những câu hỏi như "làm sao để khán đài được lắp đầy?", "làm sao để sân khấu không chịu lỗ?"... vẫn còn bỏ ngỏ. 

Theo nam nghệ sĩ, việc khán giả dần rời xa sân khấu, một phần vì kịch bản không đủ hấp dẫn và đôi khi người ta đến xem kịch vì có diễn viên nổi tiếng nào đó...

"Sân khấu kịch ngày càng khó khăn khi lượng khán giả đến xem ngày một ít. Thậm chí, một số sân khấu phải đóng cửa vì thua lỗ. Tôi nhớ ngày xưa một tuần diễn 4-5 suất, tập luyện ngày đêm để có những vở kịch phục vụ khán giả.

Còn bây giờ, mỗi khi có suất diễn lại thấp thỏm xem bán hết vé không, đêm nào không lỗ là mừng rồi. Ngày xưa có thể giàu lên nhờ sân khấu kịch, chứ bây giờ thì thua", Bạch Long thẳng thắn nhìn nhận. 

Hiện tại, dù vẫn "bữa đói bữa no" nhưng người nghệ sĩ U70 này vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật như con tằm rút ruột nhả tơ suốt 56 năm qua. Bên cạnh các vở kịch, ông còn cần mẫn với công việc ở Đồng Ấu - nơi nuôi dưỡng hoài bão với cải lương tuồng cổ.

Đồng Ấu ra đời từ năm 1990 nhưng có thời điểm gặp biến cố phải đóng cửa suốt thời gian dài. Và rồi đến năm 2022, Đồng Ấu Bạch Long được trở lại trong tình thương và sự hỗ trợ của nhiều người. 

Giữa thời điểm cải lương ngày càng mai một, Bạch Long lại trở thành "người bảo tồn" thầm lặng, dạy học và truyền lửa cho các bạn trẻ có đam mê với bộ môn này. "Tôi không dám mạnh miệng tuyên bố sẽ làm cải lương sống lại nhưng tôi mong cải lương có thể sống len lỏi trong một bộ phận khán giả nào đó", ông nói.

Nghệ sĩ Trinh Trinh nói với chúng tôi: "Cả đời cậu (nghệ sĩ Bạch Long - PV) không có bất kỳ nghề nào khác ngoài việc dành cho nghệ thuật. Là một người học trò và là cháu của cậu, tôi có nghĩa vụ phải chung tay truyền lửa để sân khấu luôn sáng đèn".

Trong liveshow kỷ niệm 55 năm làm nghề hồi 2022, nghệ sĩ Bạch Long đã đặt tựa đề "Ăn cơm Tổ, khổ vẫn cười". Điều này thật đúng qua những khoảnh khắc mà chúng tôi ghi nhận lại trong hành trình theo chân ông. Bữa ăn của người nghệ sĩ hàng đầu sân khấu hóa ra lại mộc mạc, giản dị và đầy ắp tình cảm thế này.

Ai cũng mang cho mình những cái khổ riêng... nhưng không ai buồn hay khóc cả.