Đột quỵ là gì?

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng mạch máu dẫn lên não bị tắc nghẽn, vỡ,... khiến não bị mất máu đột ngột. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong rất cao hoặc bị các di chứng nặng nề: Liệt một phần hay toàn thân, điếc, méo miệng, loạn ngôn ngữ,... Trong trường hợp nhồi máu não xảy ra ở động mạch não giữa, động mạch cảnh trong thì khả năng tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.

Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong rất cao hoặc bị các di chứng nặng nề: Liệt một phần hay toàn thân, điếc, méo miệng, loạn ngôn ngữ,... - Ảnh minh họa: Internet

Dưới đây là các đối tượng dễ bị đột quỵ:

  • Người bị mắc bệnh tim mạch: Các bệnh về van tim, hẹp hở van 2 lá, loạn nhịp,... là đối tượng dễ bị đột quỵ, cần kiểm soát các triệu chứng và theo dõi chặt chẽ.
  • Người có tiền sử tăng huyết áp có nguy cơ bị đột quỵ vỡ mạch máu não. Nguyên nhân là sau quá trình tăng huyết áp, các mạch máu nhỏ có khả năng chịu áp lực kém; một số mạch máu khác bị xơ vữa,... dẫn đến dễ bị xuất huyết não. Do đó, cần đảm bảo các trị số huyết áp của người bệnh luôn được ổn định. 
  • Người bị kết hợp các bệnh lý mạn tính như: Tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch,... có nguy cơ đột quỵ cao hơn cả. Đồng thời, khi đột quỵ, khả năng bị tổn thương rất cao nên người nhà cần quan tâm đến sức khỏe của những đối tượng này chặt chẽ.
  • Ngoài ra, những người hút thuốc lá, uống rượu bia và dùng chất cấm dễ bị tổn thương lòng mạch, làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Thời gian vàng để cấp cứu người bị đột quỵ

Đột quỵ xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Đặc biệt, vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng, khi nhiệt độ xuống thấp, tỷ lệ đột quỵ xảy ra nhiều hơn. Trong trường hợp sơ cứu người đột quỵ không kịp thời, tính mạng bệnh nhân dễ rơi vào nguy kịch cũng như gây ra nhiều biến chứng lâu dài.

Thời gian vàng để cấp cứu người bị đột quỵ là 3 giờ đầu kể từ khi bệnh nhân bị liệt - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật, khoa Hồi sức tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết thời gian vàng để cấp cứu người bị đột quỵ là 3 giờ đầu kể từ khi bệnh nhân bị liệt (yếu tay chân, tê liệt mặt, tay chân, nói ngọng,...). Nếu sớm phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần đưa họ vào phòng và đặt nằm nghiêng, đắp chăn giữ ấm. Đồng thời, gọi ngay xe cấp cứu để được nhân viên y tế hỗ trợ nhanh nhất.

Với trường hợp bệnh nhân chưa bị hôn mê, có biểu hiện: Nhức đầu, chóng mặt, tê tay chân, nuốt nghẹn,... phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa kịp thời.

Sơ cứu người đột quỵ đúng cách sẽ giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm - Ảnh minh họa: Internet

Theo các chuyên gia, tốt nhất không nên bế thốc người bị đột quỵ lên xe máy đưa đi cấp cứu, điều này vô tình gây nguy hiểm hơn cho người bệnh và khiến việc điều trị khó khăn hơn, thậm chí không hiệu quả.

Những người mắc tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch,... không nên uống rượu bia để tránh đột quỵ - Ảnh minh họa: Internet

Đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ (tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch,...) cần tự bảo vệ mình bằng cách giữ cho sức khỏe luôn ổn định, tránh các trạng thái như: Căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh,... Đồng thời, nên xây dựng chế độ ăn uống và vận động hợp lý để duy trì các chỉ số huyết áp, tiểu đường ở mức tốt nhất.