Cấu tạo da trẻ sơ sinh dễ bị khô hơn da người lớn

Khi nằm trong bụng mẹ, làn da của bé được bao phủ bằng một lớp màu vàng hơi trơn có tên gọi là chất gây (vernix caseosa). Những ngày đầu đời, lớp bảo vệ da này dần bong ra. Khi cha mẹ chăm sóc da bé quá thường xuyên, lớp hàng rào bảo vệ tự nhiên này có thể bị mất đi khiến da khô và gặp các vấn đề về da như chàm, dị ứng.

So với người lớn, làn da của trẻ em mỏng hơn, nhạy cảm hơn, mất nước nhanh hơn. Làn da trẻ cũng chưa thể giúp bé tự kiểm soát được nhiệt độ và dễ mắc bệnh hơn.

Lớp biểu bì da của bé sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện đến giai đoạn 24 tháng tuổi. Vì vậy, cần được chăm sóc để làn da trẻ luôn khỏe khoắn, đặc biệt trong thời tiết lạnh của mùa đông.

Trẻ rất dễ bị khô da vào mùa lạnh, đặc biệt là vùng da mặt - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trẻ bị khô da có thể do chàm. Mùa lạnh trẻ sẽ bị nhiều hơn. Tình trạng khô da có thể gặp toàn thân, dễ nhận biết là vùng da mặt.

Trẻ bị khô da nặng có thể bị nứt da gây chảy máu, khó chịu, khó ăn, khó ngủ hơn. Cha mẹ tắm bé quá lâu (thời gian trên 10 phút) hoặc dùng xà phòng gây mất chất nhờn tự nhiên cũng dẫn đến khô da.

Làm gì để cải thiện tình trạng khô da ở trẻ em?

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, khi trẻ dang bị khô da, cha mẹ nên cho con tắm nhanh. Thời tiết lạnh không cần thiết phải tắm mỗi ngày. Khi tắm cần chú ý nhiệt độ nước ấm, nước tắm quá nóng hoặc quá lạnh cũng có thể khiến da khô hơn. Sau khi tắm, nên sử dụng kem dưỡng ẩm thích hợp và kem dưỡng môi dành cho trẻ em.

Bác sĩ Khanh cũng cho biết tắm nước ấm là thói quen nên duy trì thường xuyên cho trẻ đến 5 tuổi. Trẻ nên tắm nước ấm cho đến 5 tuổi để bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ bị cảm lạnh.

Nên chú ý lựa chọn trang phục mềm mại, thích hợp với làn da nhạy cảm của trẻ. Trên thực tế, quần áo và khăn tắm cũng có thể làm thương tổn, gây nên tình trạng khô da ở trẻ em.

Nên tắm nước ấm cho trẻ, thời gian tắm chỉ giới hạn trong khoảng 5 phút - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, để tránh trường hợp tái phát tình trạng khô da, cha mẹ nên tìm những nguyên dân gây khô da để khắc phục. Những yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ khô da ở trẻ phổ biến có thể kể đến như: Ánh nắng mặt trời, khói bụi ở môi trường xung quanh…

Việc dùng máy sưởi khi trời lạnh làm giảm độ ẩm trong phòng cũng có thể khiến trẻ bị khô da. Do đó, cha mẹ nên giữ độ ẩm ở mức 40 – 60% để tránh làm khô làn da trẻ sơ sinh.