Làm gì khi trẻ bị say nắng?

Bác sĩ Trịnh Ngọc Bình, Chuyên khoa Nội nhi Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết vui chơi dưới trời nắng nóng thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng say nắng.

Trẻ bị say nắng có biểu hiện mệt mỏi, mắt lờ đờ, mặt đỏ, thân nhiệt tăng cao lên trên 40 độ C. Mặc dù nóng sốt nhưng cơ thể trẻ không đổ mồ hôi, mạch máu khu vực cổ và thái dương đập mạnh.

Vui chơi quá lâu ngoài trời có thể khiến trẻ bị say nắng - Ảnh minh họa: Internet

Hiện tượng này còn khiến trẻ có các dấu hiệu nhức đầu, khó thở, cơ thể lờ đờ, động tác không chính xác. Trường hợp nặng, trẻ bị say nắng có thể bị co giật.

Khi phát hiện trẻ bị say nắng, cha mẹ cần đưa trẻ vào nơi thoáng mát, loại bỏ bớt áo quần để hạ thân nhiệt. Nên hạn chế đám đông để trẻ có không gian thở. Có thể dùng tấm bìa hoặc quạt giấy quạt nhẹ để cơ thể bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Tiếp đến, dùng khăn sạch thấm nước lau nhẹ khắp người trẻ. Sử dụng một chiếc khăn khác nhúng nước, vắt khô rồi chườm lên vùng trán, ngực, nách, bẹn để nhanh thoát nhiệt.

Cha mẹ nên kịp thời xử trí khi con có dấu hiệu say nắng - Ảnh minh họa: Internet

Say nắng có thể khiến trẻ mất nước. Sau khi tỉnh, cha mẹ nên bù nước cho con bằng cách cho trẻ uống khoảng 300ml nước oresol, nước trái cây hoặc nước muối pha loãng với tỷ lệ một lít nước cho khoảng 4g muối ăn.

Sau khi đã sơ cứu ban đầu, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ và nhân viên y tế kịp thời điều trị.

Phòng ngừa nguy cơ say nắng cho trẻ

Thời tiết nắng nóng những ngày gần đây, đặc biệt tại các tỉnh Nam Bộ với lượng bức xạ nhiệt cao dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Để phòng ngừa nguy cơ say nắng cho trẻ, cha mẹ nên theo dõi dự báo thời tiết thường xuyên.

Chuẩn bị trang phục và lên kế hoạch hoạt động phù hợp cho trẻ là việc làm cần thiết.

Nên bôi kem chống nắng cho trẻ trước khi ra ngoài trời - Ảnh minh họa: Internet

Cha mẹ cũng cần chú ý không nên cho trẻ ra ngoài giữa trời nắng to. Khi di chuyển ngoài đường nên cho trẻ đội mũ rộng vành, bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra khỏi nhà.

Trong chế độ dinh dưỡng cần chú ý cho trẻ uống đủ lượng nước. Cha mẹ nên chuẩn bị sẵn bình nước để trẻ luôn mang theo.

Bữa ăn nên tăng cường nhiều rau củ quả (bí đao, bí đỏ, cà chua, dưa leo…), trái cây (trái cây họ cam quýt, dưa hấu, thanh long…) nhằm giải nhiệt, tăng cường thể lực và sức đề kháng.  

Uống nước thường xuyên sẽ giúp cơ thể cân bằng điện giải - Ảnh minh họa: Internet

Có thể cho trẻ nằm phòng điều hòa, tắm nước mát để cân bằng nhiệt, giảm nguy cơ say nắng và phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra.