Trẻ chậm nói do đâu?

Chị Sen (30 tuổi, quê Tây Ninh) có cậu con trai gần 3 tuổi, thế nhưng con chẳng biết nói gì ngoài bập bẹ hai chữ ba và mẹ, nhưng cũng chỉ là những âm thanh chưa được tròn vành, rõ tiếng.

"Bé muốn gì cũng chỉ dùng tay chỉ trỏ rồi ư ư, rất may là đi khám bác sĩ bảo bé chỉ bị chậm nói đơn thuần", chị Sen cho biết.

Cuộc sống càng hiện đại thì bậc làm cha, mẹ càng có một nỗi lo ngày càng lớn, đó là số lượng trẻ chậm nói ngày một tăng. Trong khi đó, vẫn có một số chị em vẫn xem đây là hiện tượng bình thường dựa vào quan niệm xưa rằng "Trẻ biết đi sớm thì nói muộn".

Tuy nhiên, đó lại là quan niệm thiếu cơ sở khoa học. Trẻ chậm nói thường do hai nguyên nhân: nguyên nhân thực thể và nguyên nhân tâm lý. Nguyên nhân thực thể là do trẻ có những vấn đề liên quan đến cơ quan chỉ huy (bại não, di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não, não bị dị tật bẩm sinh...), trẻ có khuyếm khuyết ở miệng (ngắn lưỡi, hở hàm ếch), bé mắc các vấn đề về thính lực. Một em bé có khả năng nghe kém thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi tạo mối liên hệ giữa ngôn ngữ và hành động, khó khăn để nhận biết và bắt chước. Nguyên nhân tâm lý là do gia đình hoặc quá cưng chiều, hay bỏ bê trẻ, hoặc đã xảy ra một biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

Tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử là một trong những nguyên nhân chậm nói ở trẻ. Ảnh internet.

Chậm nói có thực sự đáng lo?

Thực tế, mỗi trẻ sẽ có những sự phát triển khác nhau trong từng giai đoạn, phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, môi trường xung quanh, chế độ dinh dưỡng...Do vậy, các bậc phụ huynh không nên nhìn vào trẻ khác để làm thước đo tiêu chuẩn cho con mình.

Tuy nhiên, hầu hết các bé trước 24 tháng tuổi đều nên nói được ít nhất 25 từ cơ bản. Nếu không, trẻ có thể coi là chậm nói. Lúc này, cha mẹ nên đưa con đến các bệnh viện nhi thăm khám và xác định nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng chậm nói ở trẻ, để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Các bậc phụ huynh có thể căn cứ vào quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ bình thường của trẻ để xác định trẻ chậm nói hay không:

+ Trẻ từ 3 – 6 tháng: Nói được nguyên âm “a”, từ “ba”, “bà”.

+ Trẻ từ 6 – 9 tháng: Nói được 2 âm khác nhau “ma ma” “ da da”.

+ Trẻ từ 9 – 12 tháng: Trẻ phát âm “ê” “a” kéo dài thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ.

+ Trẻ từ 12 – 15 tháng: Trẻ phát âm như tiết tấu âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục.

+ Trẻ từ 15 – 18 tháng: Sử dụng được 4 từ, thường là tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ.

+ Trẻ từ 18 tháng đến 2 năm: Biết khoảng 25 từ, gọi tên người, chào hỏi, từ chối.

+ Trẻ 2 – 3 tuổi: Nói rất nhiều, biết từ 50 đến 200 từ, tự nói chuyện khi chơi.

+ Trẻ 3 – 4 tuổi: Tự kiểm soát được cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn, thường hỏi cái gì, ở đâu, tại sao, nhắc lời người khác với 6 từ.

(Khoa Tâm lý – BV Nhi Đồng 2)

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ: "Muốn trẻ nói được thì phải tập, trẻ nghe tốt mà không tập nói cũng sẽ chậm nói. Tập là phải cùng nói chuyện, cùng chơi với trẻ. Ngày nay, do cuộc sống bận rộn, cha mẹ thường để trẻ chơi ipad, coi tivi, điện thoại để rảnh tay làm việc. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những thiết bị công nghệ trẻ sẽ chỉ nghe mà không giao tiếp thì sẽ nghe tốt nhưng không nói, dẫn đến trường hợp chậm nói ở trẻ.

Cha mẹ cần chú ý quan sát con trẻ trong trường hợp chậm nói, ví dụ thấy bé không tập trung, có cử chỉ khó hiểu, khả năng nghe kém, trẻ lật chậm, chậm bò, chậm đi và không lanh lẹ... thì nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế có chuyên môn để kiểm tra."