Tay chân miệng là căn bệnh xuất hiện quanh năm và lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Theo đó, tay chân miệng ở trẻ có diễn biến rất phức tạp và có thể gặp biến chứng chỉ trong vài giờ.

Chính vì thế, nếu bố mẹ không phát hiện cũng như có cách điều trị kịp thời thì trẻ sẽ rất dễ bị biến chứng nặng như: Sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong. 

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virut đường ruột gây nên. (Ảnh minh họa: Internet)

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ

Thông thường thời gian ủ bệnh của tay chân miệng sẽ kéo dài 3 - 7 ngày và thời điểm này gần như cơ thể trẻ không có biểu hiện gì rõ ràng. Sau đó, bệnh sẽ bắt đầu khởi phát, lúc này trẻ sẽ có các triệu chứng như sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, đau họng, khó nuốt, biếng ăn và có thể tiêu chảy vài lần mỗi ngày. Theo đó, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển nặng và kéo dài từ 3 - 10 ngày với các triệu chứng sau:

Trên miệng bé sẽ xuất hiện các vết viêm loét đỏ hoặc các nốt như phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; khiến trẻ rất đau miệng, dẫn tới bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt.

Cơ thể trẻ còn xuất hiện các vết ban như nốt phỏng nước ở bàn tay, lòng bàn chân, gối mông trong khoảng 7 ngày, sau đó sẽ thâm lại. Lưu ý, có một số trường hợp các vết ban này bị lở loét hay bội nhiễm nhưng thường rất hiếm gặp.

Trẻ bị sốt nhẹ và có thể nôn. Trường hợp trẻ sốt cao hay nôn nhiều thì cẩn thận các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, bố mẹ có thể quan sát các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp ở trẻ và nó thường xuất hiện sớm từ ngày 2 - 5 ngày của bệnh.

Cuối cùng, sau khoảng 10 ngày toàn phát bệnh, trẻ sẽ bước vào giai đoạn phục hồi trong khoảng 3 - 5 ngày. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý đến các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong. Chính vì thế, bố mẹ nên đưa con đi thăm khám bác sĩ khi trẻ chỉ mới bắt đầu bước vào giai đoạn khởi phát bệnh là tốt nhất.

Bác sĩ nhi đồng bật mí cách phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết nên dạy trẻ rửa tay đúng cách để phòng chống bệnh tay chân miệng. (Ảnh minh họa: Internet)

Giải đáp vấn đề này trong chương trình giao lưu trực tuyến cùng báo điện tử Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết đầu tiên, bố mẹ cần tìm hiểu và dạy con cách rửa tay đúng cách. Cụ thể, cần rửa tay thật kĩ càng ở cách ngóc ngách đối với cả trẻ lẫn phụ huynh. Theo đó, người lớn đi bất cứ đâu về cũng phải rửa tay trước khi chăm con, thậm chí phải thay cả quần áo trước khi tiếp xúc với bé.

Còn đối với trẻ, thì đều phải rửa tay khi đi từ trường về nhà và ngược lại, trước khi ăn,... Ngoài ra, nếu phát hiện con mình bị bệnh thì bố mẹ phải cho bé nghỉ học ở nhà khoảng 10 ngày để theo dõi kỹ càng. Cạnh đó, phải vệ sinh nơi ở của bé, đồ chơi, quần áo,... thật sạch sẽ. Ngoài ra, bố mẹ cần cho con chích ngừa bệnh theo đúng định kỳ, đồng thời cho bé uống đủ nước, ăn đủ chất để có sức đề kháng phòng và chống lại tay chân miệng.

Bên cạnh đó, bé không cần kiêng bất cứ loại thực phẩm nào khi bị tay chân miệng nhưng cần lưu ý, bố mẹ không nên cho trẻ ăn quá nóng, cay và cứng. Thêm vào đó, nên cho trẻ uống sữa mát và các món ăn loãng như súp, cháo hoặc các loại canh,... 

>>> Đọc thêm: Phòng bệnh cho trẻ mầm non mùa tựu trường cùng bác sĩ Trương Hữu Khanh