Không còn là ám ảnh trong phòng sinh

Chị Vũ Kim Oanh (26 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) vừa trải qua ca sinh nở lần thứ hai. Chị vẫn nhớ lần sinh thứ nhất chị đau đớn, mệt mỏi, toàn thân nhức như bị đánh. Da mặt chị đỏ ửng lên vì cuộc rặn đẻ.

Tuy nhiên, đến lần sinh thứ hai, chị mạnh dặn đăng ký đẻ không đau. Khi có dấu hiệu chuyển da và cổ tử cung mở bác sĩ đã gây tê ngoài màng cứng. Sau gây tê, chị không còn cảm giác đau đớn mà nhẹ nhàng bước vào cuộc đẻ vừa có sức để rặn đẻ.

Cuộc vượt cạn trở nên dễ dàng, chị không bị mất sức và có thời gian chăm sóc bé sau khi sinh. Sau khi gây tê màng cứng, chị Oanh chỉ bị đau lưng một ngày là hết. So với lần đầu sinh thường tự nhiên không can thiệp gì, chị Oanh cho biết rất thoải mái và cảm giác đỡ sợ khi đẻ.

Phụ nữ có thế cảm thấy rất đau đớn khi sinh nở đến mức muốn "chửi cả thế giới". Đẻ không đau chính là phương pháp cứu cánh cho chị em. 

Ảnh minh họa: Internet

Chị Hoàng Hải Huyền (28 tuổi, phố Hoàng Ngân, Hà Nội) kể chị sợ đau nên chuẩn bị sinh chị mất ăn mất ngủ vì nghĩ đến đẻ là sợ. Một lần đi khám thai, chị được bác sĩ động viên cứ thoải mái, nếu đau quá có thể sử dụng biện pháp đẻ không đau.

Đến ngày chuyển dạ, chị vào khoa Đẻ. Tử cung mở được 4cm nhưng chị đã đau không chịu nổi. Toàn thân đau, chị gồng người khóc lóc xin bác sĩ. Lúc ấy, nhân viên y tế đưa cho chị một tờ giấy bảo chị xem xét kỹ và ký tên vào nếu đồng ý sử dụng dịch vụ gây tê ngoài màng cứng. Chi phí tiêm là 2 triệu đồng.

Chị Huyền đồng ý ngay tức khắc. Chị được gây tê ngoài màng cứng, chỉ 15 phút sau cơn đau giảm, người nhẹ tênh. Chị nằm ngủ và đến khi cổ tử cung mở 8cm chị vào phòng sinh. Chỉ mất 1 tiếng 20 phút chị đã sinh được bé trai 3,4 kg.

Cuộc sinh trở nên nhẹ nhàng hơn

Theo bác sĩ Trần Thị Thu Trang, Chuyên khoa Gây mê - Hồi sức Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, hiện nay rất nhiều bệnh viện đã áp dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giúp sản phụ qua cuộc vượt cạn dễ dàng hơn.

Bác sĩ Trang cho biết mỗi phương pháp có một ưu điểm và hạn chế khác nhau. Nói về phương pháp gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ Trang cho biết một thủ thuật giúp giảm đau trong chuyển dạ, trong và sau mổ đẻ và một số phẫu thuật khác.

Ảnh minh họa: Internet

Khi thực hiện gây tê, sản phụ sẽ nằm ở tư thế nghiêng trái, bác sỹ sẽ tiến hành gây mê không đau cho sản phụ, sau đó một ống chất dẻo rất nhỏ gọi là catheter sẽ được luồn vào khoang ngoài màng cứng.

Sau đó, thuốc tê sẽ được truyền liên tục vào khoang này qua ống catheter để gây tê rễ thần kinh chi phối tử cung. Điều này giúp chị em không còn cảm giác đau khi chuyển dạ.

So với việc đẻ thường không gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ Trang cho biết phương pháp này giúp sản phụ sẽ có cuộc sinh đẻ nhẹ nhàng, không mất sức. Đặc biệt những người đã từng sinh thường họ biết cảm giác đau như đau đẻ thì trải nghiệm gây tê ngoài màng cứng họ sẽ không còn sợ cuộc vượt cạn nữa. Thậm chí đến khi khâu tầng sinh môn sản phụ cũng không có cảm giác đau đớn.

Việc gây tê ngoài màng cứng được áp dụng rộng rãi tuy nhiên không phải sản phụ nào cũng có thể sử dụng phương pháp này. Theo bác sĩ Trang những sản phụ được thăm khám có thể đẻ bằng đường âm đạo, khi cổ tử cung đã mở 3 – 4 cm thì sẽ gây tê.

Còn với những sản phụ vào viện cổ tử cung đã mở trên 6cm không được khuyến khích gây tê ngoài màng cứng. Những sản phụ bị các bệnh lý rối loạn đông máu, đang xử dụng thuốc chống đông máu, tiểu cầu thấp, tiền sử thần kinh, nhiễm trùng vùng lưng cũng chống chỉ định với phương pháp này.