Bác sĩ chỉ chiêu giúp trẻ mới sinh không còn ngủ ngày thức đêm
Mẹ bơ phờ, stress nặng, mất sữa vì thức suốt đêm cùng con
Liên tục cả tuần qua, chị M. đưa con đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng bé… một mực không chịu ngủ vào buổi tối.
Than với bác sĩ, chị M. kể: “Hiện bé gần 5 tháng tuổi. Càng ngày bé càng trái giấc, chỉ toàn ngủ sáng, đêm mở mắt thao láo. Gần đây, bé sốt rồi khóc thét suốt đêm, em lên mạng học các mẹo chữa trẻ ngủ ngày thức đêm nhưng không hiệu quả".
Theo chị M., xót con bao nhiêu chị stress vì chồng bấy nhiêu. Chồng chị vẫn trông con cùng, nhưng luôn bực tức, cáu gắt.
Không chỉ riêng chị M., nhiều bà mẹ dù có con đầu, con thứ đều mệt mỏi khi tìm mọi cách rèn trẻ sơ sinh ngủ đêm.
Về vấn đề này, bác sĩ CKII Bùi Thị Thủy Tiên – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM – cho biết: “Có thể bé đang bị rối loạn giấc ngủ. Trẻ ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não, tuyến yên, tuyến giáp, kích động thần kinh… mà còn khiến trẻ dễ stress, căng thẳng nên quấy khóc liên tục.
Thực tế, các bà mẹ luôn tìm cách tập cho trẻ ngủ ban đêm nhưng không chú ý trước khi tập ngủ, phải tập cho trẻ nhận biết ngày - đêm để trẻ có đồng hồ sinh học riêng, giấc ngủ sẽ sâu hơn”.
Theo bác sĩ Tiên, thông thường, trẻ sơ sinh ngủ 8 tiếng ban ngày và 8 tiếng ban đêm. Càng lớn, trẻ dần chuyển sang ngủ đêm nhiều hơn.
Trẻ từ 6 tuần - 8 tuần tuổi đã có thể tập ngủ nhưng rất khó khăn vì lúc này giấc ngủ vẫn chưa ổn định. 4 tháng tuổi là độ tuổi thích hợp nhất để luyện ngủ cho trẻ. Trong giai đoạn tập ngủ, phòng ngủ cho trẻ nên có ánh sáng tự nhiên để trẻ nhận biết ngày, đêm.
Tập cho trẻ nhận biết ngày - đêm
Ban ngày, sau khi kéo màn cửa, các mẹ bế trẻ ra phía cửa sổ đón nắng, chơi với trẻ, cho trẻ nghe tiếng xe cộ, tiếng nhộp nhịp xung quanh. Lúc trẻ bú, mẹ nên lay trẻ để điều chỉnh thói quen ngủ, không bắt trẻ phải thức suốt nhưng rút ngắn thời gian ngủ trái giờ của trẻ bằng cách chơi với trẻ, lay nhẹ…
Nơi bé nằm, không đặt đèn suốt từ sáng đến tối, như vậy đồng hồ sinh học của trẻ không nhận biết sự chuyển biến của thời gian. Đồng hồ sinh học “không chạy” đồng nghĩa với việc trẻ cũng bị “đứng giờ ngủ”.
Việc để đèn liên tục cũng dễ khiến trẻ bị căng thẳng, stress và quấy khóc không ngừng. Tránh trường hợp để trẻ ngủ bù vào ban ngày vì thấy ban đêm trẻ thức khuya, điều này càng khiến trẻ có thói quen ngủ ngày, thức đêm, hoặc ngủ li bì bất kể giờ giấc.
Khi đêm xuống, người lớn không nên chơi nhiều với trẻ, giảm tiếng ồn, tắm bằng nước ấm để trẻ dễ ngủ, tắt đèn để trẻ biết ban đêm. Tập ngủ cho trẻ bằng massage, nghe nhạc, hát ru, hay những âm thanh đều đều như tiếng tivi, tiếng quạt máy… Đặc biệt, mẹ cho trẻ ngủ trước 9 giờ tối để ngủ ngon và sâu hơn.
“Mỗi đứa trẻ có một “nết ngủ” khác nhau, có trẻ thích yên lặng, có trẻ thích ánh sáng, có trẻ lại thích tiếng ồn tivi… Bản thân tôi cũng rất vất vả vì con trai cứ thức trắng. Khi quan sát mới phát hiện, cháu chỉ ngủ khi được đặt lên xe và chở vài vòng, cháu thích tiếng ồn xe cộ.
Vì vậy, trước khi tập ngủ, các bà mẹ nên quan sát trẻ thích hợp với tác động nào. Tuy nhiên, phải tránh những kích động mạnh. Đồng thời, cha mẹ nên cất những vật dụng, tranh ảnh dễ thu hút sự chú ý khiến trẻ chăm chú không chịu ngủ", bác sĩ Tiên chia sẻ.
Ba mẹ phải cho trẻ ngủ riêng để không phụ thuộc vào người lớn, không nên ẵm bồng, đặt lên vai khi dỗ trẻ ngủ. Thậm chí, cha mẹ không ôm ấp, hôn trẻ trước và trong khi ngủ sẽ khiến trẻ “quen hơi” và thức khóc thét khi thức giấc nếu không thấy ai.
Trong lúc trẻ ngủ, không nên cho bú, vì lúc này các cơ quan, não bộ của trẻ cần được nghỉ ngơi. Mẹ ép bú sẽ khiến trẻ bị sặc, nôn ói, thức giấc và quấy khóc. Khi trẻ đã thức vì bị kích thích sẽ rất khó để ru ngu trở lại.
Bác sĩ Tiên khuyến cáo: “Không nên áp dụng các mẹo dân gian chữa trẻ thức đêm như: đặt dao, kéo, roi dâu, chổi, giẻ lau… ở gần nơi nằm của trẻ. Những vật dụng này không đảm bảo vệ sinh, còn sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm nếu với tới.
Thói quen ngủ ngày thức đêm thường diễn ra trong bụng mẹ, nhưng nếu trẻ vẫn giữ thói quen đó, hoặc bị rối loạn giấc ngủ kéo dài, các bà mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để thăm khám cho trẻ”.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.