Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết trẻ em thường dễ bị bệnh vặt theo mùa. Các loại thuốc chữa bệnh vặt thông thường sẽ giúp chữa các triệu chứng. Trẻ bị ho, cha mẹ sẽ cho bé uống thuốc giảm ho. Khi bị sốt, trẻ sẽ uống thuốc hạ sốt. Trẻ có hiện tượng nôn ói sẽ được uống thuốc chống nôn ói.
Những triệu chứng bệnh vặt thông thường có thể làm trẻ khó chịu, bỏ ăn, bú mẹ không đầy đủ, chất lượng giấc ngủ giảm sút khiến bệnh lâu hết và ngày càng trở nặng.
Theo đó, với những bệnh “vặt” thông thường bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý cha mẹ cần biết những vấn đề chăm sóc cơ bản.
Trẻ bị sốt
Khi trẻ có dấu hiệu bị sốt, cha mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt nếu thân nhiệt của con trên 38,5 độ C. Trường hợp trẻ sốt trên 48 giờ đồng hồ hoặc có dấu hiệu lừ đừ, nôn ói nhiều, cha mẹ nên đưa con đi khám.
Về thuốc hạ sốt cho trẻ, bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin: “Có bé chịu paracetamol (liều 10-15 mg cho 1 ký cân nặng mỗi 4-5 tiếng), có bé hợp ibuprofen (liều 6-10 mg cho 1 ký cân nặng mỗi 6-8 tiếng”.
Thông thường, thuốc uống hạ sốt sẽ ngấm nhanh và tốt hơn thuốc nhét hậu môn.
Trẻ bị sổ mũi
Theo hướng dẫn của bác sĩ Trương Hữu Khanh, khi trẻ bị ho, sổ mũi, cha mẹ có thể nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, làm bấc sâu kèn và bôi dầu vào lòng bàn chân cho con.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên kiểm tra lại nhiệt độ phòng xem có bị hầm, nóng bức hoặc quá lạnh hay không. Trường hợp cần thiết hút mũi thì mẹ có thể nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý, mẹ súc miệng và tự hút cho bé. Tiếp đến lại nhỏ thêm 1 giọt nước muối sinh lý cho con.
“Có thể cho trẻ uống thuốc ho thảo dược astex, prospan hoặc tự làm. Nếu trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm, nên cho đi khám”, bác sĩ Khanh thông tin.
Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu trẻ bị nghẹt mũi gây khó ngủ, khó bú mẹ, nên nhỏ mũi cho con trước khi bú, kê cao đầu trẻ khi ngủ. Có thể nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ sau khi tắm hoặc khi đi ngoài trời về hoặc lúc bé bị nghẹ mũi. Các bộ phận mắt, tai không nên nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên.
Bác sĩ Khanh cho biết: “Hiện nay loại thuốc gây co mạch nồng độ thấp nhất Xylometazoline hydrochloride có thể dùng khi bé quá nghẹt mũi nhưng không dùng quá 5 ngày”.
Trẻ có đờm nhiều mẹ nên cho bú nhiều, uống đủ nước để đàm loãng và tiêu đi. Lưu ý, cha mẹ cho bé uống thuốc long đờm nên có chỉ định của bác sĩ. Tự cho bé uống thuốc long đờm có thể gia tăng triệu chứng ho.
Trẻ bị tiêu chảy
Theo bác sĩ Khanh, trẻ bị tiêu chảy nên bù nước. Nếu không đi tiêu nhiều, nên cho trẻ bú nhiều. Chỉ cần cho bé uống nước thông thường, trường hợp cần thiết mới bù nước bằng oresol.
“Một vài loại thuốc được công nhận giảm lượng nước trong phân và số ngày đi tiêu như: Diosmetic (smecta), Racecadotril (hidrasec). Thông thường, cha mẹ có thể cho con dùng kẽm 2 tuần nhưng sẽ rất khó uống”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Trẻ nôn ói, ọc sữa
Trường hợp trẻ bị nôn ói, học sữa, bác sĩ Khanh chia sẻ cha mẹ có thể cho con dùng cốm xitrina hay domperidone (motilium) nhưng phải đúng liều.
Trẻ sử dụng kháng sinh
Bác sĩ Khanh chia sẻ: "Phụ huynh nên tập dần thói quen không dùng kháng sinh khi không cần. Nếu dùng kháng sinh, có thể dùng loại đơn giản nhất, cũ nhất mà chữa được bệnh. Không phải kháng sinh càng mới là càng tốt".
Với những cách chăm sóc cơ bản khi trẻ mắc những "bệnh vặt" nói trên, cha mẹ sẽ tự tin hơn trong từng giai đoạn nuôi dạy trẻ.