Bác sĩ 'bó tay' khi thai phụ tiền sản giật nặng không chịu mổ vì kiêng mùng 1
Mổ chủ động là phương pháp mổ "bắt con" trước khi chuyển dạ, thường được thực hiện với những trường hợp đã từng sinh mổ, khi sức khỏe mẹ bầu có vấn đề hoặc khi thai nhi có dấu hiệu suy thai, kém phát triển. Tuy nhiên, hiện nay có không ít những trường hợp mẹ bầu quyết định mổ lấy thai để chọn ngày, giờ sinh cho con.
Vậy việc chọn ngày, giờ để sinh con liệu có phải là quyết định đúng đắn? Lựa chọn này có làm ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi hay không?
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCKI Nguyễn Trung Đạo, Khoa sản bệnh A4, BV Phụ sản Hà Nội cho biết, mới đây bác sĩ đã gặp một trường hợp khiến bác sĩ phải "bó tay" khi sản phụ nhất định chọn ngày, giờ sinh mổ cho con.
Cụ thể, sản phụ 39 tuổi, mang thai lần thứ 4, có dấu hiệu tăng huyết áp từ lúc 32 tuần, được điều trị bằng thuốc hạ áp tại nhà hằng ngày. Đến ngày 23/12, sản phụ nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, cần phải theo dõi.
Theo bác sĩ Đạo, bệnh nhân này bị tiền sản giật nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những cơn sản giật vô cùng nguy hiểm.
"Sản phụ lúc này được 37 tuần, tiền sản giật có dấu hiệu nặng, trong đêm huyết áp cao vun vút, tim thai nhịp giảm liên tục vì thiếu oxi, nhưng sản phụ vẫn nhất quyết không chịu mổ vì hôm đó là mồng 1 đầu tháng. Các bác sĩ đã phải hết sức giải thích và yêu cầu sản phụ phải mổ cấp cứu, rất may ca mổ thành công, bé gái nặng 2,1kg, bú tốt, sản phụ tạm thời sức khỏe ổn định và vẫn đang tiếp tục được theo dõi", BSCKI Nguyễn Trung Đạo chia sẻ.
Cũng theo BSCKI Nguyễn Trung Đạo, quan niệm chọn ngày giờ sinh của sản phụ nêu trên là hoàn toàn không đúng, điều này có thể gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và con.
"Việc chọn ngày, chọn giờ không có ý nghĩa. Hơn nữa, những ngày đẹp thường rất đông nên phòng mổ sẽ bị quá tải, bác sĩ cũng bị quá sức, điều này có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng ca mổ. Đối với bác sĩ thì ngày nào con ra đời cũng là ngày đẹp, vì thế cha mẹ không nên quá mê tín, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con", bác sĩ Đạo khuyến cáo.
Tiền sản giật và sản giật là biến chứng nội khoa thường gặp nguy hiểm
Theo BSCKI Nguyễn Trung Đạo, tiền sản giật và sản giật là một bệnh lý sản khoa hay gặp ở phụ nữ mang thai, với tỷ lệ từ 2-8%. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
Tiền sản giật là bệnh lý xảy ra trước khi thai phụ lên cơn sản giật, là tiền đề gây nên cơn sản giật. Thai phụ mắc hội chứng tiền sản giật có thể được yêu cầu mổ chủ động để lấy thai ra. Việc mổ sớm khiến thai nhi bị sinh thiếu tháng, nguy cơ suy giảm miễn dịch và viêm phổi cao.
Ngoài ra, thai nhi có mẹ bị tiền sản giật có thể chậm tăng trưởng, nhẹ cân và suy dinh dưỡng do không được cung cấp đủ dinh dưỡng trong thai kỳ.
Sản giật là biến chứng của tiền sản giật, xuất hiện cơn co giật, xảy ra ở trước, trong cơn chuyển dạ hoặc trong thời kỳ sau sinh. Sản giật thường đi kèm với hôn mê sâu, phù não và suy thận cấp. Nếu không được xử trí kịp thời, sản giật có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Bác sĩ khuyến cáo, để giảm nguy cơ mắc tiền sản giật, thai phụ cần khám sàng lọc khi mang thai, duy trì cân nặng và chế độ ăn hợp lý; Vận động hoặc tập thể dục phù hợp; Khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa; Tự theo dõi những thay đổi bất thường trên cơ thể trong quá trình mang thai và báo với bác sĩ nếu thấy nghi ngờ.
Thực hư ăn hành tây nướng ngừa bệnh đột quỵ
Trên mạng có thông tin ăn hành tây nướng thường xuyên sẽ phòng ngừa được bệnh đột quỵ, thực hư...
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...