Theo các nhà phong thủy học, năm nay ngày Tết Thanh minh bắt đầu từ ngày 5/4 Dương lịch (tức ngày 15/2 Âm lịch) và kết thúc vào khoảng ngày 20 đến 21/4 Dương lịch (thời điểm bắt đầu tiết Cốc vũ). Trong khoảng thời gian này, các gia đình sẽ chuẩn bị lễ vật, đến mộ phần tổ tiên, người thân, thành tâm thắp nén hương thơm cho người đã khuất để mong mọi thứ thuận lợi tốt lành.

Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, Phó ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình cho biết, Tết Thanh minh không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà diễn ra trong vòng 15 ngày. Đây là dịp mà các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau. Quan trọng nhất, qua đó các thế hệ trẻ biết công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

 Đi tảo mộ Thanh minh không cần quá cầu kỳ, chỉ cần các lễ vật theo phong tục truyền thống để tỏ tấm lòng thành là đủ.

Đại đức Trí Thịnh cho biết, khi đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh, các gia đình cần sắm sửa lễ vật chu đáo, nhưng quan trọng hơn cả là thành tâm. Có thể dâng lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng gia đình. Các lễ vật gồm có: Hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng. Lễ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối. Tùy theo phong tục địa phương mà có điều chỉnh phù hợp, nhưng nhà chùa khuyên người dân tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong Tết Thanh minh.

Theo ghi nhận, những ngày này rất nhiều người gác lại công việc, cùng tập trung con cháu đi đến các nghĩ trang để dọn dẹp phần mộ, viếng mộ cho những người đã khuất và xen lẫn vào đó là những câu chuyện vui buồn khác nhau.

Nụ hôn lên bia mộ: “Tạm biệt cháu bà về”

Bà Phạm Thái An (ở Hà Nội) lặn lội cùng gia đình đi tảo mộ từ tờ mờ sáng, 7h sáng bà tới nghĩa trang nơi cháu gái 27 tuần tuổi của bà đang nằm yên nghỉ. Bà lặng lẽ xếp từng đồ lễ, nào là những chiếc váy xinh đẹp, hay những món đồ chơi dành cho trẻ nhỏ. Cùng với đó là hoa quả, bánh kẹo, cháo, xôi… đủ cả.

Bà tâm sự rằng, hôm nay hai bên nội ngoại vừa đi thanh minh tảo mộ, lại vừa đi lên thăm cháu gái nhân dịp giỗ đầu. Dù cháu gái mất đã tròn một năm, nhưng gia đình vẫn chẳng thể nào nguôi ngoai được sự nhớ thương và đau xót. “Phần đất này là dành cho ông bà khi nhắm mắt xuôi tay, vậy mà cháu lại nằm xuống trước, đau xót quá”, bà Thái An tâm sự.

 Bà Thái An chuẩn bị các lễ vật để cúng cho cháu gái mất khi được 27 tuần tuổi trong dịp Thanh Minh. 

Thời điểm này một năm trước, con gái bà An mang thai được 27 tuần tuổi nhưng không may mắc COVID-19, dịch bệnh hành hạ con gái bà và cuối cùng không thể giữ được đứa con trong bụng. Chào đời non tháng, lại trên nền người mẹ mắc COVID-19, em bé vừa được đặt tên đã mãi mãi ra đi trước niềm đau xót vô hạn của gia đình. “Với nhiều người có thể họ sẽ không an táng cho một bào thai như vậy. Còn gia đình tôi, khi con đã đến với gia đình, đã được đặt tên thì đã là thành viên của gia đình. Vì thế, tôi an táng cho cháu mọi thứ thật chu toàn, tươm tất”, bà An tâm sự.

Cùng đến viếng mộ cháu gái, ngoài bà Thái An là bà ngoại, còn có bà nội và đoàn gia đình với hơn 10 thành viên khác. Khi mọi thủ tục đều đã xong xuôi, bà nội cháu bé nghẹn ngào lau những giọt nước mắt, từ từ hôn lên bia mộ và nói lời tạm biệt với đứa cháu bé bỏng: “Tạm biệt cháu bà về. Hôm nào bà lại lên thăm cháu nhé”.

Bà nội bé gái hôn lên mộ chào tạm biệt cháu trước khi ra về. 

Chàng rể ngoại quốc lần đầu đi tảo mộ Thanh minh

Tại một khu vực khác của nghĩa trang, một gia đình khác cũng nhận được sự thu hút của nhiều người khi mà số người đến viếng mộ lên đến gần 20 người. Đặc biệt trong đoàn có sự xuất hiện của một chàng trai ngoại quốc, khi hỏi ra mới biết được đó là cháu rể của người đã mất đến việng mộ ông ngoại dịp Tết Thanh minh.

Qua một người phiên dịch thì được biết, người thanh niên này tên Bjorn Wilke (27 tuổi,  quốc tịch Đức) cùng vợ về Việt Nam đúng dịp Tết Thanh minh để đi tảo mộ. Bjorn tiết lộ, đây cũng là lần đầu tiên được tham dự ngày Tết Thanh minh theo truyền thống của người Việt.

Cháu rể ngoại quốc về đi tảo mộ Thanh minh cùng gia đình vợ tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên - Hòa Bình.

“Bên đất nước tôi, sau khi qua đời thường tro cốt sẽ được gửi vào nhà thờ và ít khi đến chăm sóc cầu kỳ, cận thận như ở Việt Nam. Qua trải nghiệm này tôi sẽ về kể với gia đình, bạn bè rằng từng tham gia buổi lễ rất trang trọng này cùng gia đình vợ. Với bản thân tôi, tôi mong có nhiều dịp hơn nữa để cùng gia đình tham gia đi lễ tổ tiên, tưởng nhớ đến nguồn cội gia đình”, Bjorn tâm sự. Sau khi cùng gia đình dọn dẹp khuôn viên mộ phần, Bjorn cũng thành tâm nhất lễ, đi thắp từng nén hương thơm cho những người thân đã khuất bên nhà vợ.

Được biết, nhân dịp này rất nhiều người Việt Nam đang làm ăn, học tập ở nước ngoài cũng tranh thủ về đi tảo mộ nhân Tết Thanh minh. Đại Đức Thích Trí Thịnh cho rằng, trong xã hội hiện đại ngày nay, việc giáo dục truyền tống gia đình, truyền thống dân tộc và nét đẹp văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ là việc rất cần thiết. Chỉ có như vậy các giá trị tốt đẹp mới không bị mai một và sẽ trường tồn mãi mãi.