Bị dại, 100% tử vong

Mới đây, gia đình ở Lương Sơn (Hòa Bình) bị chó cắn dẫn đến bố và con trai tử vong. Người mẹ và con gái đã được tiêm phòng và bệnh dại chưa phát tác. Câu chuyện đau lòng trên như hồi chuông cảnh tỉnh về sự chủ quan khi bị chó cắn.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết mỗi năm trên thế giới có khoảng 55 nghìn người tử vong do dại, trung bình 10 phút lại có 1 người bị lên cơn dại và tử vong. Với những người mắc bệnh dại thì không có cách nào cứu được.

Thạc sĩ Hà cho biết chứng kiến nhiều bệnh nhân bị tử vong do dại, bác sĩ vô cùng đau lòng vì bệnh nhân tỉnh táo đến lúc chết và hầu như họ đều tỉnh táo đón nhận cái chết sau vài phút. Nhiều bệnh nhân bị chó cắn và họ đều không tiêm phòng dại vì nghĩ chó nhà, chó nhỏ, mèo không bị dại.

Sơ cứu khi bị chó cắn - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp của bà Nguyễn Thị M (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) tử vong vào năm 2018. Bà M. lên cơn dại được 2 ngày thì qua đời trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình.

Bà M. nuôi chó đẻ và tiêm ngừa cho chó con. Trong lúc tiêm vô tình bị con chó con cắn trầy xước da, không chảy máu và bà cũng chẳng nhớ gì đến vết cắn đó.

Vài ngày sau con chó này chết, ai cũng nghĩ nó bé, ốm thì chết và chỉ đến khi bà M. lên cơn dại rồi qua đời thì ai cũng tiếc nuối vì đã không chủ động đi tiêm phòng dại.

Mỗi năm, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận vài chục ca bị dại. Các bệnh nhân đều không tiêm phòng dại khi bị chó mèo cắn hoặc đi chữa lang y khi bị chó mèo cắn mà quên rằng chỉ duy nhất tiêm vắc xin mới có thể phòng được dại.

Hiện nay, vắc xin phòng dại đã tốt hơn trước. Người bị chó cắn không cần quá lo lắng về tiêm vắc xin dại sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình. Một liệu trình tiêm vắc xin dại là 5 lần. Vừa tiêm vừa theo dõi con chó và nếu qua 10 ngày con chó chết thì không cần tiêm thêm nữa.

3 bước cần làm khi bị chó, mèo cắn

Theo thạc sĩ Hà, không phải chó mèo cắn chảy máu mới có thể bị dại mà chỉ cần chó, mèo cào, liếm vào vết thương hở cũng có thể bị nhiễm vi rút dại. Vi rút dại xâm nhập vào máu và đi các cơ lên thần kinh trung ương.

Bệnh nhân khi bị chó, mèo cắn cần thực hiện ba bước sau:

Thứ nhất, nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước sạch, rửa trực tiếp và không nên rửa trong chậu vì làm phát tác vi rút. Rửa dưới vòi nước sau đó rửa lại bằng xà phòng để trung hòa vi rút dại đi vào vết thương. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước rửa bát, nước rửa tay.

Thứ hai, làm sạch vết thương bằng cồn iot hoặc rượu trắng. Trường hợp vết cắn bị ra nhiều máu, máu phun thành tia, bạn dùng dây thun để garô xung quanh vết thương và chi. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh mất quá nhiều máu.

Rửa tay ngay sau khi bị chó cắn - Ảnh minh họa: Internet

Thứ ba, tiêm phòng dại ngay lập tức nếu trong vùng có chó, mèo dại. Đặc biệt là các vết cắn gần dây thần kinh trung ương như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục...

Một số trường hợp chưa cần tiêm vội, theo thạc sĩ Hà đó là vết cắn nhẹ, xa các vùng nguy hiểm và xa trung tâm thần kinh trung ương.

Những trường hợp chó không có dấu hiệu bị bệnh dại và ở khu vực không có dịch cần theo dõi chúng từ 3 đến 10 ngày. Nếu chó chết và bỏ đi sẽ đi tiêm phòng, chó không chết thì không cần thiết.

Khi bị chó cắn, tuyệt đối không đi theo thầy lang nào. Thạc sĩ Hà cho biết nhiều nơi người dân do thiếu hiểu biết nên một số người tin đến thầy lang để lấy thuốc nam về uống sẽ chữa được vi rút dại và vắc xin phòng dại nguy hiểm tới sức khỏe.

Điều này hoàn toàn sai và thực tế đã có nhiều gia đình phải đau đớn bất lực trước cơn phát dại của người thân sau một thời gian "chạy theo" thầy lang để chữa trị.

Ngoài ra, Thạc sĩ Hà nhấn mạnh không chủ quan chó nhà nuôi an toàn không bị dại chỉ chó hoang mới dại. Bệnh dại không chừa một con chó nào kể cả chó nhà nuôi hay chó hoang.

Gia đình nuôi chó cần tuân thủ lịch tiêm phòng dại cho chó mèo để phòng cả bệnh dại cho người.