Nếu bạn được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, bạn cần luôn theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu để giữ cho thai nhi khỏe mạnh và tránh các biến chứng trong khi mang thai và sinh nở. Không chỉ vậy, bạn còn cần theo dõi chặt chẽ lượng đường máu trong 6 đến 12 tuần sau sinh.

Chiến lược điều trị của bạn bao gồm:

Kiểm tra đường máu thường xuyên

Bác sỹ sẽ yêu cầu bạn kiểm tra lượng đường trong máu tối thiểu 4 lần một ngày (trước ăn buổi sáng và sau các bữa ăn 1 giờ hoặc 2 giờ), để đảm bảo lượng đường luôn trong phạm vi cho phép. Điều này nghe có vẻ bất tiện và khó khăn nhưng nó sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn thực hiện.

Để có thể chủ động trong việc kiểm tra đường máu của bản thân, bạn nên sắm cho mình một chiếc máy đo đường huyết mao mạch.

Bạn cũng cần nhớ mục tiêu của mình:

- Đường huyết lúc đói dưới 5,8mmol/l

- Đường huyết 1 giờ sau ăn khoảng 7,8mmol/l và 2 giờ sau ăn dưới 7,2mmol/l. Bạn không nên để mức đường huyết lúc đói thấp dưới 3,4 mmol/.

Kiểm tra đường máu thường xuyên giúp bà bầukiểm soát được lượng đường trong máu - Ảnh minh họa: Internet

Chế độ ăn lành mạnh

Mục tiêu được đưa ra là bạn vừa kiểm soát được lượng đường huyết vừa cung cấp đủ calo cũng như các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.

Ăn đúng loại thực phẩm là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát lượng đường huyết và ngăn ngừa việc tăng cân quá nhiều. Bác sỹ không khuyên giảm cân khi mang thai bởi cơ thể bạn đang cần làm việc chăm chỉ để giúp thai nhi phát triển. Nhưng bác sỹ có thể giúp bạn đặt mục tiêu tăng cân dựa trên cân nặng của bạn trước khi mang thai.

Khoảng 2200 - 2500 calo mỗi ngày là tiêu chuẩn cho phụ nữ có cân nặng trung bình. Nếu bạn thừa cân, bạn có thể cần phải giảm xuống còn khoảng 1800 calo mỗi ngày.

Chế độ ăn lành mạnh rất quan trọng với bà bầu mắc đái tháo đường thai kỳ - Ảnh minh họa: Internet

Chế độ ăn của bà bầu bị tiểu đường cần chú ý:

- Từ 10% -  20% lượng calo từ các nguồn protein như thịt, pho mát, trứng, hải sản và các loại đậu.

- Ít hơn 30% lượng calo từ chất béo.

-Ít hơn 10% lượng calo chất béo từ chất béo bão hòa

- 40% còn lại hoặc hơn lượng calo từ carbohydrate như bánh mì, ngũ cốc, mì ống, gạo, trái cây và rau quả

Tập thể dục thường xuyên

Hoạt động thể chất thường xuyên đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch giữ gìn sức khỏe của mọi phụ nữ trước, trong và sau khi mang thai.

Tập thể dục làm giảm lượng đường trong máu của bạn bằng cách đưa glucose vào các tế bào, nơi nó được sử dụng để tạo năng lượng. Tập thể dục cũng làm tăng độ nhạy cảm của tế bào với insulin, điều đó có nghĩa là cơ thể bạn sẽ cần sản xuất ít insulin hơn để vận chuyển đường.

Không chỉ vậy, tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm một số khó chịu thường gặp khi mang thai như đau lưng, chuột rút, táo bón và khó ngủ.

Bơi lội là một trong những hoạt động tốt cho thai kỳ - Ảnh minh họa: Internet

Hãy cố gắng thực hiện một số hoạt động nhẹ đến trung bình trong 15 phút hoặc nửa giờ trong hầu hết các ngày. Nếu bạn không hoạt động trong một thời gian, hãy bắt đầu từ từ và tăng dần. Đi bộ hay bơi lội là những lựa chọn tốt trong thai kỳ.

Tuy nhiên bạn cũng lưu ý: Trong khi tập nên cố gắng giữ nhịp tim không quá 140 lần/phút.

Chế độ thuốc

Nếu chế độ ăn và tập thể dục không kiểm soát được lượng đường huyết, bạn có thể điều trị bằng tiêm insulin. Có khoảng 10% - 20% bà bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cần insulin để đạt được mục tiêu lượng đường trong máu.

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội