Bà bầu ăn đu đủ được không?

Phụ nữ có thai không nên hoặc phải hạn chế tối đa việc ăn đu đủ xanh khi mang thai, còn đối với đu đủ chín thì hoàn toàn có thể ăn được, thậm chí còn rất tốt cho bà bầu.

Bà bầu có thể ăn đu đủ chín mà không cần lo ảnh hưởng đến thai nhi nếu ăn với lượng vừa phải. Một quả đu đủ chín chứa khoảng 119 calories và khoảng 17,9g đường, giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi thường trực ở phụ nữ mang thai.

Đu đủ chín giúp gia tăng mức độ hemoglobin, trợ giúp sự hấp thụ oxy và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu trong thai kỳ.

Chất carpine trong hạt đu đủ được xem là một chất độc - Ảnh minh họa: Internet

Do sự thay đổi hormone khi mang thai, mẹ bầu rất dễ mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu, chảy máu chân răng… Việc thường xuyên ăn đu đủ chín là cách đơn giản giúp mẹ bầu nhanh chóng thoát khỏi sự “hành hạ” của những triệu chứng này.

Tuy nhiên mẹ cần lưu ý: Chất carpine trong hạt đu đủ được xem là một chất độc, gây rối loạn mạch đập và ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Vì vậy, mẹ bầu nên loại bỏ hết hạt trước khi ăn đu đủ chín.

Với hơn 70% là nước, đu đủ chín là một lựa chọn thích hợp mẹ bầu bổ sung nước cho cơ thể, hạn chế tình trạng mệt mỏi do mất nước.

Beta-carotene trong đu đủ chín còn giúp phát triển não và thị giác của thai nhi, vitamin C có tác dụng chống viêm, đau khớp và tăng cường hệ miễn dịch, vitamin B cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, giúp ổn định nhịp tim và huyết áp của mẹ bầu.

Vì sao bà bầu không nên ăn đu đủ xanh?

Chất papain trong nhựa đu đủ xanh có thể gây ra những cơn co thắt tử cung khá mạnh - Ảnh minh họa: Internet

Xuất phát từ một nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ, chất papain trong nhựa đu đủ xanh có thể gây ra những cơn co thắt tử cung khá mạnh. Thêm vào đó chất này còn làm chậm quá trình tăng trưởng tế bào và mô của bào thai, gây phù và xuất huyết nhau thai.

Ngoài ra, dưới sự tác động của papain và chymopapain thì nguy cơ dị tật bẩm sinh và quái thai sẽ tăng cao hơn bình thường. Tuy nhiên đây chỉ là thí nghiệm được tiến hành trên loài chuột, còn ở người vẫn chưa có bằng chứng cụ thể.  Nhưng khi đu đủ đã chín thì bạn có thể an tâm, chất này chỉ còn trong hạt đu đủ mà thôi.

Song để tránh những rủi ro không đáng có, tốt nhất mẹ bầu không nên ăn đu đủ xanh, đặc biệt là 3 tháng đầu mang thai.

Một số thai phụ có cơ địa dị ứng, nhựa đu đủ xanh có thể làm mẩn đỏ, kích ứng da cũng như các vấn đề về hô hấp.

Nếu “lỡ” ăn phải đu đủ xanh khi mang thai, các mẹ cũng không nên quá hoảng hốt, lo lắng vì một lượng nhỏ cũng không thể ảnh hưởng tới thai nhi. Tuy nhiên sau đó mẹ có thể siêu âm để chắc chắn không xảy ra chuyện gì.

Ăn đu đủ xanh đã nấu chín có sao không?

Ảnh minh họa: Internet

Đu đủ xanh có chứa chất gây co bóp tử cung, có thể sảy thai, chất này không khử hoàn toàn khi nấu chín. Do đó, đu đủ xanh ăn sống hay nấu chín đều không nên dùng với bà bầu.

Lưu ý khi ăn đu đủ trong thai kỳ

Trong hạt đu đủ có chất carpine là một chất độc có thể gây rối loạn mạch đập, ảnh hưởng tới hệ thần kinh,  mẹ cần loại bỏ hết hạt đu đủ trước khi ăn.

Mẹ bầu bị tiêu chảy, lạnh bụng thì không nên ăn đu đủ chín.

Đu đủ để trong tủ lạnh cần để ra ngoài 10 – 15 phút sau đó mới nên ăn. Không nên ăn đu đủ lạnh.

Những mẹ có hàm lượng đường trong máu cao chỉ nên ăn đu đủ chín 2 – 3 lần/tuần.

Nếu mẹ cứ làm dụng và ăn quá nhiều đu đủ, tình trạng táo bón không những không bớt mà còn có thể trở nên nghiêm trọng hơn - Ảnh minh họa: Internet

Ăn đu đủ sẽ giúp mẹ bầu ngăn ngừa táo bón, nhưng nếu mẹ cứ làm dụng và ăn quá nhiều đu đủ, tình trạng táo bón không những không bớt mà còn có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Được xếp vào danh mục những loại trái cây ngon, bổ, rẻ, đu đủ dành được "cảm tình" của nhiều chị em phụ nữ. Ngoài đu đủ mẹ cũng cần phải bổ sung cân bằng dưỡng chất, khám thai và siêu âm định kỳ mới đảm bảo sức khỏe đợi tới lúc “mẹ tròn, con vuông”.