Theo các nhà nghiên cứu di truyền, những yếu tố môi trường tác động lên cha mẹ như dinh dưỡng, lối sống, cách sinh hoạt... có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do đó, điều quan trọng cần thiết hàng đầu là cha mẹ nên chuẩn bị đầy đủ nền tảng sức khỏe trước khi chuẩn bị có em bé. 

Bà bầu cần chuẩn bị những gì trước và trong thời kỳ mang thai?

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Bệnh viện Hoàng Gia Wocester (Vương quốc Anh), để chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn mang thai và di truyền những yếu tố tích cực về mặt phát triển thể chất và trí tuệ cho trẻ, cha mẹ cần chú ý những điều sau: 

Đảm bảo sức khỏe trước khi mang thai

Cả vợ và chồng cần duy trì lối sống lành mạnh trước và trong thai kỳ. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh khuyên các đôi vợ chồng, đặc biệt là người vợ nên giảm áp lực công việc khoảng 6 tháng trước khi mang thai. 

Hãy đảm bảo sức khỏe thật tốt khi bạn có kế hoạch mang thai - Ảnh minh họa: Internet

Chế độ dinh dưỡng kém chất lượng nên thay đổi ít nhất trước khi có thai 8 tuần. Duy trì chỉ số BMI ở mức bình thường khi bước vào thời kỳ mang thai (BMI từ 18.5-22.5). Đồng thời nên lên kế hoạch giảm cân trước mang thai 1 năm.

Chú ý chế độ dinh dưỡng

Khi lên kế hoạch mang thai, phụ nữ nên bổ sung axit folic trước 4 tuần khi mang thai và duy trì trong những tháng đầu thai kỳ. 

Nên dùng vitamin D 400-600IU cho người có BMI bình thường, 1000IU cho người có BMI ≥ 23 hoặc mang song thai và nên bắt đầu sớm khi mang thai.

Phụ nữ mang thai nên duy trì mỗi ngày 175g thịt cá hồi/thu/cá chép/lươn, duy trì 2 ngày/tuần để cung cấp đủ omega-3 DHA.

Ngoài ra, bà bầu nên kiêng ăn một số thực phẩm không tốt cho mẹ và bé như: Trứng sống, cá sống, thịt sống, tái... 

Khám sức khỏe định kỳ

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết, bà bầu cần có sự quan tâm sớm trước khi sinh  và thường xuyên đi khám sức khỏe trong thai kỳ. Tại lần khám tiền sản đầu tiên (thường vào tuần thứ tám), bà bầu sẽ được kiểm tra về những nguy cơ gây biến chứng thai kỳ. 

Bà bầu nên cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu dùng các loại thuốc trị bệnh, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc. 

Bà bầu nên thận trọng việc sử dụng thuốc trong thai kỳ - Ảnh minh họa: Internet

Nếu đang sử dụng thuốc để điều trị các căn bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai không nên dừng thuốc một cách đột ngột. Hãy xin lời khuyên từ bác sĩ để xem xét mức độ an toàn cho thai kỳ. Đồng thời, có thể chọn phương án thay thế bằng thảo dược hoặc thực phẩm bổ sung. 

Không uống rượu, không hút thuốc

Trước và trong thai kỳ, phụ nữ tuyệt đối không nên hút thuốc. Hút thuốc có nguy cơ gia tăng nguy hiểm cho sức khỏe thai phụ, dẫn đến những nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc các vấn đề nguy hại cho nhau thai.

Thâm chí, hút thuốc có thể làm chậm sự phát triển của phôi thai và gia tăng việc chết phôi và đột tử.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh thông tin: "Một số nghiên cứu đã liên kết việc hút thuốc với những nguy cơ tăng cao của dị tật hở môi và vòm miệng. Không bao giờ là quá trễ để từ bỏ hoặc khôi phục. Mỗi điếu thuốc bạn không hút mang lại cho con bạn một cơ hội để trở nên khỏe mạnh hơn...".

Việc sử dụng các thức uống chứa cồn cũng cần hạn chế tối đa trong thai kỳ. Bà bầu uống một chút mỗi ngày có thể khiến thai nhi thấp cân, gây ra những nguy cơ về việc đọc, nói, thời gian chú ý, ngôn ngữ và tăng động ở trẻ.

Chú ý công việc nhà khi mang thai

Hãy đảm bảo công việc nhà an toàn cho bà bầu trong suốt thai kỳ. Cần tránh xa những công việc phải tiếp xúc với hóa chất và kim loại nặng như chì và thủy ngân, các tác nhân sinh học hay sự bức xạ.

Bà bầu không nên tiếp xúc nhiều với các chất tẩy rửa độc hại - Ảnh minh họa: Internet

Những sản phẩm lau chùi, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, một số dung môi hoặc chì trong nước từ những đường ống cũ cũng có thể gây hại cho thai nhi.