Thành phần dinh dưỡng và công dụng của quả nhót

Nhót là loại quả quen thuộc ở miền Bắc nước ta. Vào tháng 3 đến đầu tháng 4, quả nhót được bày bán ở khắp các chợ.

Theo Y học cổ truyền, quả nhót có vị chua chát, tính bình, vị thơm, vào các kinh phế đại tràng. Quả nhót có tác dụng trị ho, trừ đờm, bình suyễn, trị tả.

Quả nhót là một vị thuốc trong Y học cổ truyền - Ảnh minh họa: Internet

Lá nhót rất giàu tanin, saponosid, polyphenol. Quả nhót chứa nhiều chất dinh dưỡng, thường được dùng để nấu canh chua. Quả nhót xanh, cắt ngang dày khoảng 3 – 5mm, phơi hoặc sấy khô dùng để làm thuốc.

Quả nhót chín mọng được bày bán trên đường phố thu hút rất nhiều chị em, trong đó có các bà bầu - Ảnh minh họa: Internet

Nhót được rất nhiều chị em phụ nữ ưa thích vì vị chua chua của nó, đặc biệt rất hấp dẫn với phụ nữ đang trong giai đoạn nghén. Vậy, bà bầu ăn quả nhót có an toàn không?

Bà bầu ăn quả nhót có được không?

Cứ vào mùa nhót ở miền Bắc, các mẹ bầu thường không cưỡng lại được hương vị chua chua, ngọt ngọt của loại quả xứ Bắc này, việc ăn một lần hết cả túi nhót là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên rất nhiều mẹ bầu lại băn khoăn với câu hỏi: Bà bầu có nên ăn quả nhót không?

Vào mùa, quả nhót được bày bán khắp nơi ở miền Bắc - Ảnh minh họa: Internet

Đến thời điểm hiện tại, không có ý kiến nào khẳng định phụ nữ mang thai không được ăn nhót. Quả nhót là loại quả tương đối lành tính và dễ phát triển trong tự nhiên. Cây nhót còn rất sai quả nên mẹ bầu sẽ không lo về vấn đề thuốc trừ sâu hay chất bảo quản.

Nhót có thể được xem là một loại quả tự nhiên, cây rất sai quả nên không lo vấn đề thuốc trừ sâu và chất bảo quản khi ăn loại quả này - Ảnh minh họa: Internet

Vì vậy, nếu các mẹ bầu thèm ăn quả nhót có thể nhâm nhi một vài quả.

Lưu ý khi bà bầu ăn quả nhót

Quả nhót càng chín, lớp bụi phấn bám đậu ở bên ngoài vỏ quả càng mỏng và dễ chà rửa. Khi ăn, nếu mẹ bầu không muốn bóc bỏ vỏ, các mẹ nên cạo sạch lớp bụi phấn này để tránh gây đau họng do vẩy nhót bám vào cổ họng.

Nên rửa sạch hoặc lột bỏ lớp vỏ có bám bụi phấn để tránh vị đau họng - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, mẹ bầu không được ăn quả nhót khi đói bụng để tránh gây kích ứng dạ dày do quả nhót có vị chua. Sau các bữa cơm từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút, các mẹ có thể dùng loại quả này như một loại đồ ăn vặt nhâm nhi.

Nhót dầm đường là món ăn khoái khẩu ngày hè của không ít chị em phụ nữ miền Bắc - Ảnh minh họa: Internet

Lưu ý các mẹ bầu có tiền sử mắc các bệnh lý về dạ dày thì không nên ăn quá nhiều trái cây có vị chua chát như nhót, mận, xoài non…

Nhìn chung, bà bầu ăn quả nhót khá an toàn nếu ăn vừa đủ và đảm bảo vệ sinh quả trước khi ăn. Quả nhót có vị chua, nếu ăn quá nhiều sẽ làm cho mẹ bầu nhanh đói và không tốt cho sức khỏe dạ dày.