Lou Wenjun (26 tuổi), nhân viên văn phòng ở thành phố Trịnh Châu (Trung Quốc), thường so sánh cơ thể của mình với một quả lê: nửa trên khá ổn, nhưng đùi và bắp chân không thon thả.

Lou cao 1,65 m, nặng 55 kg. Cô coi đó là điều đáng thất vọng bởi người Trung Quốc quan niệm “những cô gái đẹp không vượt quá 50 kg”, theo VICE.

Khi ở nhà tránh dịch Covid-19, Lou lao vào giảm cân. Cô ăn 2 bữa/ngày, tập thể dục 3 tiếng/ngày và bước lên cân mỗi khi vào phòng tắm.

Ba tháng sau, Lou đạt mức 50 kg. Mẹ khen cô đẹp hơn, trong khi đồng nghiệp trầm trồ ca ngợi.

Sau đó, Lou đặt mục tiêu mới: 47,5 kg.

“Đối với các cô gái, không có gì gọi là quá gầy. Ai cũng muốn giảm cân vì đó là tiêu chuẩn vẻ đẹp thời nay”, cô nói.

Trong khi phong trào chấp nhận mọi hình dáng cơ thể được quan tâm ở nhiều nơi trên thế giới, gầy vẫn là tiêu chuẩn vẻ đẹp phổ biến ở phần lớn Đông Á - nơi phụ nữ được cho là mong muốn giảm cân nhất.

 Người mẫu Choi So Ra (Hàn Quốc) từng gây sốc với hình ảnh “da bọc xương” do ăn kiêng quá độ. Tại nhiều quốc gia châu Á, gầy gò vẫn được coi là tiêu chuẩn vẻ đẹp của phụ nữ. Ảnh: Choi So Ra.

Tiêu chuẩn phi thực tế


Tại Trung Quốc, tiêu chí đánh giá người phụ nữ đẹp được gói gọn trong cụm từ “trắng, trẻ, gầy”.

Lý tưởng về thân hình siêu mỏng cũng thống trị Internet. Các ứng dụng chia sẻ video luôn đi kèm bộ lọc khiến khuôn mặt nhỏ lại và chân thon hơn một cách phi thực tế. Trong khi đó, các thuật toán cung cấp cho phụ nữ trẻ hàng loạt khẩu hiệu giảm cân và mẹo ăn kiêng vô tận.

Tháng 3 năm ngoái, mốt mặc thử quần áo trẻ em gây chấn động mạng xã hội Trung Quốc. Theo đó, phụ nữ đổ xô đến các cửa hàng Uniqlo để chụp ảnh diện áo phông nhỏ xíu và khoe trên trang cá nhân, BBC đưa tin.

Nhiều người chỉ trích trào lưu này không chỉ vì gây hư hại trang phục, mà còn nhấn mạnh thêm nỗi ám ảnh không lành mạnh của một bộ phận phụ nữ ở đất nước tỷ dân với vẻ ngoài gầy gò.

Trước đó, hàng loạt thử thách độc hại khác cũng lan truyền như đo vòng eo bằng tờ giấy A4, đặt đồng xu vào xương quai xanh hay vòng tay qua lưng để chạm vào rốn.

Xu hướng kể trên chỉ là một ví dụ của “BM Style” - được lấy theo tên thương hiệu quần áo Brandy Melville (Italy), chủ yếu cung cấp sản phẩm có kích thước siêu nhỏ.

Trào lưu này trở nên phổ biến vào năm 2020, làm dấy lên lo ngại rằng gia tăng áp lực phải gầy cho phụ nữ. Thêm vào đó, bảng kích cỡ chuẩn của “cô gái BM” được lan truyền, ví dụ phụ nữ cao 1,60 m chỉ nên nặng 43 kg, càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Mạng xã hội Trung Quốc là nơi sản sinh ra nhiều trào lưu độc hại về cơ thể phụ nữ, trong đó có “vòng eo A4”. Ảnh: NY Times. 

He Jinbo thuộc Đại học Trung văn Hong Kong, người nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và hình ảnh cơ thể, cho biết nghiên cứu mới nhất của ông cho thấy thanh thiếu niên càng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội thì càng có nhiều khả năng không hài lòng với cơ thể của mình.

Mặc dù đây không phải xã hội duy nhất vật lộn với vấn đề này, các chuyên gia nói rằng nó đang trở nên gay gắt hơn ở Trung Quốc - nơi quan niệm về sự tích cực của cơ thể vẫn chưa bén rễ.

Một cuộc khảo sát trực tuyến năm 2019 của Ipsos về các tiêu chuẩn sắc đẹp toàn cầu cho thấy trong số 27 quốc gia, Trung Quốc đứng đầu vì tin rằng trọng lượng và hình dáng cơ thể là những đặc tính quan trọng trong việc đánh giá phụ nữ. Người dân Bắc Kinh cũng đứng thứ 2 về việc chọn cơ thể gầy gò là “lý tưởng” cho phụ nữ.

Nhà tâm lý học Ke Han từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) lưu ý rằng truyền thông Trung Quốc có xu hướng đưa tin về những cô gái rất gầy và công chúng có xu hướng ưa chuộng các nữ minh tinh có thân hình đẹp.

“Những phụ nữ nặng hơn 50 kg bị coi là lười biếng và thiếu kỷ luật vì dường như không thể chăm sóc bản thân. Một số tin vào điều này đến mức nghĩ rằng nó sẽ ảnh hưởng đến triển vọng hôn nhân của họ”, Ke nói

Với những người vẫn giữ quan điểm gia trưởng, phụ nữ “mảnh mai và đẹp” có nghĩa tương tự “đồ vật có giá trị tốt”.

Nỗ lực ngăn chặn


Diana Nordeus (20 tuổi), sinh viên trao đổi người Mỹ sống tại Seoul (Hàn Quốc), kinh ngạc khi lần đầu trông thấy khung gỗ đề dòng chữ “Vòng eo của bạn đang ở mức nào?” được lắp ở trạm dừng bên đường cao tốc tại Hongcheon, tỉnh Gangwon.

Cô miêu tả đó là các thanh dọc được lắp cách nhau theo số đo chiều rộng eo của từng lứa tuổi 20-60. Ví dụ, những người ở tầm tuổi 20 được kỳ vọng chui lọt khoảng trống 17,35 cm, còn 30 tuổi là 19,2 cm. Con số tăng theo lứa tuổi, nhưng chỉ xê dịch 1-2 cm, Korea Herald đưa tin.

Những khung gỗ đo vòng eo có thiết kế tương tự được đặt ở nơi công cộng tại vài tỉnh, thành phố ở xứ sở kim chi với mục đích “khuyến khích người dân vận động, chăm sóc vóc dáng”.

Tuy nhiên, chúng được cho là chỉ thể hiện sự ám ảnh của xã hội về cơ thể mảnh mai, thon gọn.

Khung gỗ đo vòng eo được đặt tại công viên Grand Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: Kim He-wha. 

Trên mạng xã hội Hàn Quốc, ngày càng nhiều cô gái có chung mục đích giảm cân kết nối và chia sẻ hình ảnh người mẫu siêu gầy hay phương pháp không khoa học để khuyến khích nhau nhịn ăn. Họ là những người “ủng hộ chứng biếng ăn” (pro-ana) khiến người mắc thường tự bỏ đói bản thân vì nỗi ám ảnh tăng cân.

Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người Hàn cũng bắt đầu theo đuổi phong trào “body positivity” (tạm dịch: cơ thể tích cực) để trân trọng, tôn vinh sự đa dạng hình thể, phá vỡ tiêu chuẩn sắc đẹp khắt khe của xã hội. Nhiều công ty thời trang cũng chú trọng đến sự đa dạng hình thể trong sản phẩm.

Tại Nhật Bản, trong nỗ lực giảm số lượng phụ nữ trẻ thiếu cân ở đất nước này, ngày 4/7, Bộ Y tế cho biết chính phủ đã thành lập nhóm nghiên cứu để điều tra các vấn đề về hình ảnh cơ thể, ăn kiêng và thói quen sống, theo Kyodo.

Các phát hiện từ đây sẽ được sử dụng để nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc duy trì cân nặng bình thường và rủi ro khi ăn kiêng quá độ.

Trước đó, cuộc khảo sát sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia năm 2019 cho thấy 20,7% (tương đương 1/5) phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi 20 có chỉ số khối cơ thể BMI dưới 18,5 (được xem là thiếu cân). Dự án kéo dài 10 năm “Health Japan 21” của chính phủ Nhật Bản, triển khai từ năm 2013, nhằm đưa phụ nữ ở nhóm tuổi 20 có chỉ số BMI thấp xuống dưới 20% đã thất bại.

Fumi Hayashi, phó giáo sư tại Đại học Dinh dưỡng Kagawa, cho biết truyền thông và nhiều kênh khác đã đưa ra các tiêu chuẩn xã hội sai lầm rằng gầy gò là lý tưởng. Do đó, điều quan trọng là toàn xã hội phải thay đổi thái độ.

Một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy 1/5 phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi 20 bị thiếu cân. Ảnh: Reuters. 

Trong nhiều năm, những người nổi tiếng và KOL ở Trung Quốc đã quảng bá tiêu chuẩn vẻ đẹp “trẻ, trắng, gầy”. Tuy nhiên, quan điểm thiếu thực tế về nữ tính này đang dần thay đổi nhờ sự gia tăng của các xu hướng tiêu dùng mới và ảnh hưởng của truyền thông xã hội, theo Jing Daily.

Điều đáng chú ý là các thương hiệu xa xỉ không còn tôn vinh “gầy là đẹp”.

Kể từ năm 2017, LVMH và Kering quyết định cấm các người mẫu size 0 tham gia các sàn diễn và buổi chụp hình. Nhà thiết kế Donatella Versace tái khẳng định cam kết của nhà Versace đối với sự tích cực và hòa nhập của cơ thể bằng cách chọn người mẫu ngoại cỡ để trình diễn trong show của mình.

Phong trào chăm chút cơ thể để gầy gò vẫn là xu hướng phổ biến ở Trung Quốc, nhưng sự thay đổi đang diễn ra.