Ở tuổi 60, ông Lý đến từ tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc vẫn chưa lập gia đình. Song ở những năm cuối đời này hiếm ai trong làng có được cuộc sống viên mãn như ông. Không vợ con nhưng ông được 4 đứa cháu ruột xem như bố đẻ chăm sóc và quan tâm hơn bao giờ hết.

Chia sẻ về cuộc đời của mình ông cho biết có 1 người anh trai. Sau khi kết hôn, người anh qua đời vì bạo bệnh. Còn chị dâu không chịu được hoàn cảnh sống khó khăn nên đã bỏ đi và để lại 4 người con. Những chuyện không hay này nối tiếp nhau khiến ông Lý đưa ra quyết định dành phần đời còn lại của mình để thay mặt anh trai chăm sóc 4 đứa cháu.

Thực tế việc chăm sóc 4 đứa trẻ với 1 người đàn ông chưa có gia đình không phải điều đơn giản. Ban đầu, mẹ ông vẫn khoẻ mạnh nên có thể phụ giúp. Hàng ngày, ông đi làm kiếm tiền còn mẹ ở nhà trông nom tụi nhỏ.

Tuy nhiên, mẹ ông dần già yếu, phải nằm liệt giường. Không có người chăm sóc mẹ nên ông Lý buộc phải ở nhà. Từ đây, nguồn tài chính của gia đình bị cắt đứt.

Nhìn thấy hoàn cảnh như thế, những người hàng xóm khuyên ông nên gửi bọn nhỏ vào trại trẻ mồ côi. Lập tức, ông Lý gạt đi ý định này. Ông nói rằng dù có phải đi nhặt ve chai cũng sẽ cố gắng nuôi lớn 4 đứa trẻ này thành người.

Lý giải cho quyết định này, ông Lý chia sẻ rằng khi còn nhỏ ông đã được chính bố của tụi nhóc chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. Bởi cha mẹ ông đi làm xa không thể sát sao được. Nên đó là lúc ông biết mình cần đứng ra chịu trách nhiệm với 4 đứa trẻ này.

Cũng chính vì lý do này nên ngay cả khi 1 người thân trong gia đình đề nghị nhận nuôi giúp 1 đứa trẻ ông Lý cũng một mực từ chối. Ông Lý nói rằng không muốn gây phiền phức cho người khác khi vẫn có thể xử lý được mọi chuyện.

Căn nhà gỗ nhỏ tuy đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng lại đầy ắp tình yêu thương của 5 chú cháu. Ông Lý luôn dành sự ưu tiên đặc biệt cho lũ trẻ. Ông nói rằng trong nhà có gì ngon nhất thì 4 đứa sẽ được ăn trước. Cái giường to nhất, thoải mái nhất cũng là để cho bọn nhỏ nằm.

Sau khi mẹ qua đời, ông Lý làm đủ nghề để lo 1 cuộc sống đủ đầy cho 4 đứa. Sau khi các cháu lần lượt đi học, ông có thời gian làm thêm nhiều công việc hơn. Mỗi sáng, ông thường dậy từ 5h để nấu ăn, sau đó đưa tụi nhỏ đến trường rồi đi làm đến tối muộn mới trở về. Thương chú, 4 đứa nhỏ cũng sớm học cách tự lập và làm việc nhà.

ảnh minh họa

Tuy nhiên, điều ông Lý vô cùng tự hào về 4 cháu của mình là thành tích học tập của chúng. Ông kể rằng cả 4 đứa luôn có thành tích học tập dẫn đầu nên thường được nhận học bổng. Nhờ thế, áp lực tài chính cũng giảm đi phần nào. Ông cho biết ít khi phải nói chuyện về việc học của chúng. Thông thường, trong nhà, anh lớn sẽ chỉ dạy cho em bé. Cứ như vậy, 4 đứa dạy nhau học để nỗ lực thoát nghèo.

Sau này khi đã lên thành phố học đại học, tụi nhỏ đi làm thêm từ năm nhất và không cần đến sự hỗ trợ về tài chính của ông Lý. Sau khi ra trường chúng cũng tự xin được việc làm.

Chỉ mất khoảng 5 năm sau đó, 4 đứa dần có được vị trí cao tại nơi làm việc. Thậm chí, đứa anh cả còn tự mở được công ty về chế biến thực phẩm. Đứa thứ 2 cũng mở được một chuỗi cửa hàng đồ ăn cùng với người bạn. Nhìn chung, dẫu có xuất phát điểm khó khăn song 4 người cháu của ông Lý đều trở thành những cá nhân xuất sắc và thành đạt.

Không quên công ơn của người chú đã nuôi lớn mình, 4 đứa cháu của ông sống vô cùng có hiếu. Chỉ sau 2 năm ra trường, chúng đã gom tiền để xây lại căn nhà mới cho ông. Theo mô tả của ông Lý, đó không chỉ là 1 căn nhà bình thường mà là cả 1 căn biệt thự to nhất làng. Chính ông cũng ngỡ ngàng khi được bàn giao nhà. Bởi cả đời ông chưa khi nào dám mơ rằng mình sẽ được sống trong căn nhà tiện nghi và khang trang đến thế.

Sau khi xây nhà, hàng tháng tụi nhỏ đều chu cấp cho ông Lý một khoản tiền để chi tiêu thay vì phải đi làm vất vả. Mỗi cuối tuần, 4 anh em lại thay phiên nhau về nhà ông chơi. Nên cụ ông này từng nói rằng dẫu chẳng có vợ con nhưng chưa khi nào cảm thấy cô đơn ở những năm tháng cuối đời này.

Sau nhiều năm vất vả, giờ ông đã được nghỉ ngơi trong 1 căn nhà lớn với đầy ắp tình yêu thương của 4 đứa cháu. Đối với ông như vậy là đủ. Song đây lại là niềm mơ ước của nhiều cụ ông, cụ bà bị con cái bỏ rơi.