Các chuyên gia cho biết thịt lợn giàu chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cơ thể sẽ dễ hấp thụ các dưỡng chất khi bạn ăn thịt lợn. Theo Đông y, thịt lợn tính hàn, vị mặn, vừa là thực phẩm chế biến nhiều món ăn ngon, vừa có tác dụng chữa bệnh nếu biết ăn và sử dụng đúng cách.

Ăn thịt lợn đúng cách như thế nào?

Thịt lợn là thực phẩm giàu dinh dưỡng và là món ăn quen thuộc của mọi nhà.

Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, thịt lợn sạch không nuôi bằng cám tăng trọng, thịt không tồn dư hóa chất do thức ăn. Thịt không tồn tại chất bảo quản không có ký sinh trùng và vi trùng. Lớp bì và mỡ dày cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của thịt lợn sạch.

Khi cắt thịt theo thớ dọc nếu quan sát thấy xuất hiện những đốm trắng to bằng đầu kim hoặc thớ thịt hình sợi hoặc bầu dục to, chứng tỏ thịt đã bị nhiễm giun sán. Ngoài ra, nếu thấy thịt lợn cứng, không đàn hồi, không mềm mại… có thể thịt lợn đã bị tẩm hàn the hoặc ướp ure.

Nguyên tắc của việc ăn thịt lợn đúng cách là luôn ăn thịt sạch đã nấu chín - Ảnh minh họa: Internet

Khi ăn thịt lợn cần chú ý tuân thủ nguyên tắc chọn thịt sạch, nấu chín, không ăn tái và điều chỉnh khẩu phần ăn cân bằng với thịt gia cầm, cá, đạm thực vật, thịt đỏ. Phần bì lợn chứa nhiều protein, carbohydrate, vitamin, muối khoáng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên ăn nhiều bì lợn.

Các bác sĩ khuyến cáo thành phần cholesterol chứa trong bóng bì lợn hoàn toàn không tốt cho người bị rối loạn lipit, thừa cân béo phì. Người mắc bệnh gout hoặc suy thận cũng cần hạn chế ăn bì lợn nguyên nhân do lượng protein cao gây khó tiêu.

Một trong những lưu ý khi ăn thịt lợn đúng cách là không được nấu đi nấu lại quá nhiều hoặc chế biến ở nhiệt độ quá cao để tránh sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiệt độ cao có thể khiến protein biến tính, hủy hoại nguồn vitamin và dưỡng chất trong thịt lợn.

Những sai lầm khi chế biến thịt lợn cần chú ý

Để bảo toàn nguồn dinh dưỡng trong quá trình chế biến thịt lợn, nhiều chị em nội trợ nên chú ý tránh một số sai lầm thường gặp sau:

Rã đông thịt lợn sai cách

Thói quen ngâm thịt lợn đông lạnh trong nước nóng hoặc nước quá lâu đều ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Bên cạnh đó, rã đông thịt ở nhiệt độ phòng cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Rã đông ở nhiệt độ phòng có thể khiến thịt lợn bị nhiễm khuẩn - Ảnh minh họa: Internet

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết để rã đông thịt lợn, bạn có thể rã đông tự nhiên trong khoảng 2 – 3 tiếng trước khi nấu. Cách tốt nhất nên dùng nước lạnh pha thêm ít muối để rã đông nhanh hơn.

Rửa thịt lợn bằng nước nóng

Thói quen rửa thịt lợn bằng nước nóng sẽ làm mất đi rất nhiều dinh dưỡng. Lúc này, hàm lượng protein trong mô cơ thịt lợn và mô mỡ sẽ bị mất đi. Bên cạnh đó, thành phần acid glutamic và các thành phần khác cũng mất đi sẽ ảnh hưởng đến hương vị thịt lợn.

Nấu thịt quá lâu

Nấu thịt lợn quá lâu có thể làm mất đi nhiều dưỡng chất - Ảnh minh họa: Internet

Ở nhiệt độ 200 – 300 độ C, các axit amin, creatinine, đường và các chất khác trong thịt lợn sẽ sinh ra các phản ứng hóa học tạo ra các chất độc hại, nguy cơ cao gây ung thư. Do đó, chị em tuyệt đối không nên nấu thịt quá lâu.

Chỉ chọn ăn thịt lợn nạc

Nhiều người quan niệm ăn thịt mỡ sẽ gây béo nên chỉ chọn ăn thịt nạc. Tuy nhiên, đây chính là thói quen ăn thịt lợn sai cách.

Trên thực tế, ăn nhiều thịt nạc chưa hẳn tốt cho sức khỏe. Hàm lượng methionine trong thịt lợn nạc, dưới tác động của các chất xúc tác sẽ sinh ra homocysteine dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch.

Có thể thấy, biết cách chế biến và ăn thịt lợn đúng cách nhờ những tiêu chí trên sẽ giúp các thành viên gia đình bồi bổ sức khỏe.