Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho biết, tại đây vừa tiếp nhận, điều trị cho một trường hợp bị dị vật vùng kín. Bệnh nhi là bé L.N.TN. (6 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng âm đạo trào mủ, bốc mùi khó chịu. 

Theo gia đình, trẻ đã phải sống chung với tình trạng bất thường trên khoảng 1 tháng qua. Gia đình đã đưa bé đến bác sĩ thăm khám, được điều trị nội khoa, uống thuốc kháng viêm nhưng tình trạng không giảm, vùng âm hộ, âm đạo viêm đỏ, ngứa, tiết dịch vàng hôi...


 
Các bác sĩ đã chỉ định nội soi tìm dị vật trong vùng kín của bệnh nhi

Sau khi thăm khám, siêu âm bụng, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị viêm âm đạo kéo dài do dị vật. Các bác sĩ quyết định nội soi kiểm tra thì phát hiện mảnh bông gòn dính vào thành âm đạo đã viêm đỏ nhiều mủ đục, hôi. Sau khi được bác sĩ lấy dị vật, bơm rửa âm đạo, sức khỏe bệnh nhi nhanh chóng bình phục, tình trạng viêm nhiễm được điều trị triệt để. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Cao Nhân, Trưởng khoa Ngoại Niệu cho biết, khoảng hai tháng qua bệnh viện liên tục tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp dị vật âm đạo ở trẻ em. Có bé bị kẹt viên bi không tự lấy ra được, bé thì bị kẹp tóc nằm trong âm đạo lâu ngày đã rỉ sét, bé khác lại bị nút áo hoặc mảnh đồ chơi.

Thủ phạm gây ra tình trạng viêm nhiễm âm đạo kéo dài ở trẻ là mảnh bông gòn

Dị vật âm đạo nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây viêm nhiễm, chảy máu âm đạo kéo dài ở trẻ, dẫn tới nhiễm trùng nặng ảnh hưởng chức năng sinh sản về sau.

Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý đến trẻ, nhất là các bé từ 3 đến 6 tuổi. Trẻ nhỏ rất hiếu động, tò mò tự mình tìm hiểu thế giới xung quanh và khám phá chính cơ thể mình nên thường nhét dị vật vào các lỗ tự nhiên. Do đó, phụ huynh cần quan sát kỹ lưỡng, lựa chọn những món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, để tránh xảy ra những tình trạng đáng tiếc. 

Đối với những trường hợp nghi ngờ dị vật âm đạo ở bé gái phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa nhi để được hỗ trợ, can thiệp phù hợp. Nội soi âm đạo thám sát bằng ống nhỏ, gắp dị vật là chỉ định tốt nhất, phương pháp này giúp bác sĩ quan sát rõ bên trong, tránh gây tổn hại và rách các mô mềm xung quanh đặc biệt là màng trinh của bé.