Đã có 325.604 ca sốt xuất huyết, cảnh báo nhiều người diễn biến nặng, nguy hiểm do chủ quan khi mắc bệnh
Một tuần ghi nhận trên 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch
Thống kê của các địa phương cho thấy tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 325.604 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 122 người tử vong . So với cùng kỳ năm 2021 (66.002/25) số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 97 trường hợp.
So với tuần trước, số ca mắc tuần này tăng thêm khoảng trên 10.000 ca mới, tương đương với các tuần trước đó.
Theo Bộ Y tế, mặc dù với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên trong những tháng gần đây số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận.
Do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19, ngoài ra ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.
Bộ Y tế cũng dự báo trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.
Ngành Y tế triển khai giám sát chặt việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch...
Chủ quan khi mắc sốt xuất huyết, nhiều người diễn biến nặng
Thời gian vừa qua, khoa Hồi sức Thần kinh, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân có tình trạng xuất huyết nội sọ nặng trên nền người bệnh bị sốt xuất huyết.
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nam (59 tuổi) bị sốt 39 độ C khoảng ba ngày trước đó, không điều trị. Ngày 10/11, gia đình phát hiện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, thở khò khè tụt lưỡi. Người đàn ông này được cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giờ thứ 2 trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn tối đa, chụp CT sọ não có hình ảnh máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải, đè đẩy não thất và đường giữa độ III.
Tuy nhiên kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết tiểu cầu thấp 12 G/L, không đảm bảo an toàn cho cuộc mổ, nguy cơ chảy máu cao.
Vì vậy bệnh nhân được hồi sức tích cực, truyền khối tiểu cầu cấp cứu, hội chẩn liên khoa quyết định phẫu thuật khi số lượng tiểu cầu tăng lên đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật.
Trường hợp khác, bệnh nhân nam (67 tuổi), hai ngày trước vào viện, sốt cao 39,5 độ C, không điều trị. Người nhà phát hiện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, tiểu dầm, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giờ thứ 3 trong tình trạng hôn mê, đồng tử mắt phải giãn.
Kết quả chụp CT sọ não có hình ảnh máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải, đè đẩy não thất và đường giữa độ III, test sốt xuất huyết Dengue dương tính, tiểu cầu 31 G/L.
Không có khả năng phẫu thuật, bệnh nhân được truyền khối tiểu cầu tách máy, hồi sức tích cực. Nhưng người bệnh diễn biến lâm sàng tiến triển nặng lên nhanh, hôn mê sâu, giãn đồng tử tối đa hai bên, huyết áp tụt, không còn chỉ định can thiệp ngoại khoa, tiên lượng nặng.
TS Lê Đình Toàn - Chủ nhiệm khoa Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh lý nguy hiểm với biến chứng xuất huyết nội tạng đặc biệt là xuất huyết nội sọ, có hay không kết hợp với một chấn thương nhẹ.
Do đó các bác sĩ khuyến cáo, các bệnh nhân khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Đồng thời cần phải đến khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ để theo dõi, đặc biệt là những trường hợp giảm tiểu cầu nghiêm trọng, tránh để bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng đến chỉ định, thời gian can thiệp ngoại khoa ở những bệnh nhân có biến chứng nguy hiểm như chảy máu não, chảy máu nội tạng...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....