9 nguyên tắc dinh dưỡng cho người tiểu đường
Tôi mới phát hiện mình mắc bệnh tiểu đường dù còn khá trẻ. Tôi đang điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, bác sĩ cũng có lưu ý tôi cần phải kiểm soát chế độ ăn uống.
Vậy chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường cần lưu ý những gì, thưa bác sĩ? (Hải Linh, Hà Nội)
Trả lời
Tiểu đường, hay còn gọi là đái tháo đường, là bệnh mãn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và theo dõi điều trị tốt, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, lên thực đơn dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp kiểm soát lượng đường huyết trong máu, giảm dùng thuốc điều trị và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
Một chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường hướng đến các mục tiêu như: Kiểm soát cân nặng; kiểm soát đường huyết, huyết áp và mỡ máu; làm chậm xuất hiện hay ngăn chặn biến chứng của bệnh tiểu đường; đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cá nhân dựa trên sở thích và văn hóa, sự sẵn sàng thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận được thức ăn lành mạnh; duy trì sự hài lòng về ăn uống bằng cách hướng dẫn chọn lựa thực phẩm.
Để chủ động kiểm soát đường huyết và phòng ngừa biến chứng do bệnh tiểu đường, bạn nên thực hiện 9 nguyên tắc dinh dưỡng cho người tiểu đường dưới đây:
Nguyên tắc 1: Nhu cầu năng lượng dựa trên chiều cao, cân nặng, giới tính và mức độ lao động. Với nhóm lao động nhẹ, vừa, mức năng lượng từ 30-35kcal/kg/ngày; nhóm lao động nặng từ 35-40kcal/ngày; nhóm thừa cân béo phì 24-26kcal/kg/ngày.
Nguyên tắc 2: Phân bổ hợp lý tỉ lệ thành phần các chất dinh dưỡng:
+ Glucid: 50-60% tổng năng lượng ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên cám.
+ Protein: 1-1,2g/kg/ngày tương đương 15-20% năng lượng khẩu phần (0,8g/kg/ngày nếu có suy thận); tăng cường thịt, cá nạc bỏ da.
+ Lipid: 20-25% tổng năng lượng, hạn chế các acid béo bão hòa, mỡ động vật, nội tạng động vật, thay vào đó sử dụng chất béo chưa bão hòa lành mạnh như dầu đậu nành, dầu oliu, dầu hướng dương…
+ Chất xơ: 14g/1000kcal, trung bình 20-25g chất xơ/ngày.
Nguyên tắc 3: Đa dạng và cân đối khẩu phần; hạn chế ăn các sản phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh vì chứa nhiều chất béo bão hòa và muối này làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch không tốt cho sức khỏe.
Nguyên tắc 4: Phối hợp các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao với các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp trong khẩu phần bữa ăn.
Nguyên tắc 5: Nên chế biến các món hấp, luộc, hạn chế các món chiên, xào, nướng.
Nguyên tắc 6: Cố định giờ ăn các bữa trong ngày.
Nguyên tắc 7: Trong bữa ăn nên ăn rau trước rồi ăn đến thịt, cá… và cơm.
Nguyên tắc 8: Hạn chế các thực phẩm nhiều đường đơn và đường tinh chế như đường kính, mật ong, các loại mứt, hoa quả sấy khô, bánh kẹo… các loại đồ uống có cồn (rượu, bia). Hoa quả nên ăn cả múi chứ không nên ép nước uống…
Nguyên tắc 9: Với người bệnh có nguy cơ hạ đường huyết, cần xem xét bổ sung bữa phụ, đặc biệt trước khi đi ngủ để tránh hạ đường huyết trong đêm.
Ngoài ra, người tiểu đường cần tăng cường tập thể dục nhằm tăng cường sức khỏe, tiêu thụ năng lượng dư thừa trong cơ thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng, cải thiện đường huyết, huyết áp và mỡ máu.
Bác sĩ NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG
Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
Thực hư ăn hành tây nướng ngừa bệnh đột quỵ
Trên mạng có thông tin ăn hành tây nướng thường xuyên sẽ phòng ngừa được bệnh đột quỵ, thực hư...
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....