Bác sĩ dịch tễ học Pamela Rist, thành viên Học viện Thần kinh Hoa Kỳ cho biết: "Suy giảm trí nhớ có thể bắt đầu trong não hàng thập kỷ trước khi được chẩn đoán. Điều quan trọng là chúng tôi phải tìm hiểu cách thức mà các thói quen ở tuổi trung niên có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc căn bệnh này khi về già".

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới, chủ yếu là do bệnh Alzheimer (60 đến 70% các trường hợp). Con số này có thể tăng lên 82 triệu vào năm 2030 và tăng gấp 3 lần vào năm 2050, đạt 152 triệu người mắc phải.

Một nghiên cứu mới đây của Mỹ đã theo dõi 13.720 phụ nữ Mỹ ở độ tuổi trung bình 54, trong khoảng 20 năm. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, lựa chọn lối sống lành mạnh ở tuổi trung niên có thể làm giảm nguy cơ mắc suy giảm trí nhớ sau này.

Kết quả này đã được trình bày tại phiên họp thường niên của Học viện Thần kinh Hoa Kỳ ( American Academy of Neurology).

Duy trì huyết áp bình thường giúp giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ.

Bằng cách thực hiện các bước như tập thể dục nửa giờ mỗi ngày, kiểm soát tốt huyết áp, ngủ đủ giấc, kích hoạt não bộ hoặc luôn giữ liên lạc với những người xung quanh... có thể giảm nguy cơ mắc cũng như hạn chế sự khởi phát sớm chứng suy giảm trí nhớ.

Dưới đây là một số thói quen tốt ngăn ngừa suy giảm trí nhớ:

1. Không hút thuốc giúp ngăn ngừa suy giảm trí nhớ

Ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc ung thư, hút thuốc còn có thể làm tăng nguy cơ mắc suy giảm trí nhớ.

Theo WHO, thuốc lá làm tăng hàm lượng homocysteine trong huyết tương toàn phần, tạo thành nguy cơ chính gây đột quỵ, suy giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ, trong đó có bệnh Alzheimer.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh giúp ngăn ngừa suy giảm trí nhớ.

2. Duy trì huyết áp bình thường

Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ của chứng suy giảm trí nhớ. Theo một nghiên cứu của Anh năm 2018, huyết áp cao thậm chí dưới ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Tăng huyết áp có thể gây ra những cơn đột quỵ nhỏ, làm tổn thương chất trắng của não, hạn chế lưu lượng máu đến não, làm cho não bị tổn thương dẫn đến suy giảm trí nhớ.

3. Quản lý đường huyết khỏe mạnh

Một số nghiên cứu đã chứng minh vai trò của bệnh đái tháo đường trong việc làm tăng nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ hay bệnh tim mạch. Người lớn mắc bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc suy giảm trí nhớ cao gấp 1,5 đến 3 lần.

Có chế độ ăn lành mạnh làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.

4. Duy trì trọng lượng hợp lý

Theo một nghiên cứu từ Trường Y Đại học Boston, kiểm soát cân nặng giúp chống lại chứng suy giảm trí nhớ: Giảm cân và tăng cân trở lại trong nhiều năm giữa cuộc đời (tức cân nặng thường xuyên thay đổi thất thường) sẽ khiến chúng ta mắc hội chứng này về lâu dài.

Lý tưởng nhất là giữ chỉ số BMI trong khoảng từ 18,5 đến 24,9, tương ứng với vóc dáng được cho là bình thường.

5. Có chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn ít chất béo và lành mạnh dựa trên chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh suy giảm trí nhớ và bệnh Alzheimer: Nhiều rau và trái cây, cá, các loại đậu, quả hạch và dầu ô liu cần được ưu tiên hơn.

Chúng ta cũng nên tránh thực phẩm chế biến sẵn, yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý khác.

Tập thể dục làm giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ.

6. Kiểm soát cholesterol

Dư thừa cholesterol trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL - cholesterol "xấu") cao, đặc biệt là ở độ tuổi từ 40 đến 65, có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ một thập kỷ sau đó.

Kiểm soát cholesterol cũng hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch, một yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.

7. Luôn vận động

Để chống lại chứng mất trí nhớ (và để duy trì sức khỏe tốt), nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và hàng ngày. Việc thực hành một hoạt động thể chất giúp não có thể hoạt động tốt hơn, và do đó tạo ra các tế bào và mối liên kết mới.