Cảm lạnh là một trong những bệnh lý cấp tính đường hô hấp thường do virus gây bệnh ở mũi và họng gây nên. Bệnh phổ biến xảy ra từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau với hơn 200 chủng gây bệnh. Tuy bệnh cảm lạnh được xem là một trong những căn bệnh lành tính nhưng nó cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Nếu không đối phó đúng cách, bệnh cảm lạnh có thể kéo dài, thậm chí có những biến chứng tiềm ẩn như viêm phổi.

Bệnh cảm lạnh có thể tự hết sau khoảng 7 - 10 ngày nhưng cũng có những lúc bệnh kéo dài đến hết 21 ngày.

Dưới đây là 7 sai lầm thường gặp khi mắc cảm lạnh khiến bệnh lâu khỏi mà bạn cần chú ý:

1. Phớt lờ các triệu chứng và không nghỉ ngơi đầy đủ

Các triệu chứng cảm lạnh phổ biến là ngạt mũi, chảy nước mũi, sưng viêm đau họng, hắt hơi, mệt mỏi ho nhiều, cơn ho chủ yếu về đêm hoặc khi hít phải không khí khô lạnh. Người bị cảm lạnh có thể cảm thấy đau nhức mỏi cơ thể kèm theo đau đầu nhẹ. Ở trường hợp nặng hơn, cảm lạnh có thể gây ra sốt cao.

Nếu các triệu chứng tăng nặng hơn sau vài ngày, cơn sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt kèm theo thở khò khè và mệt mỏi, đau nhức xương khớp, buồn ngủ li bì, bạn cần tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nhiều người cho rằng một vài bài tập đổ mồ hôi như chạy bộ khi cơn sốt bùng lên có thể tốt để hạ sốt và "thải virus" qua đường mồ hôi. Nhưng quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Bạn có thể tập thể dục khi các triệu chứng ở mức nhẹ nhưng nhìn chung, điều cần làm khi bị cảm lạnh ở nhà chính là nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ là cách cho cơ thể có thời gian phục hồi và chống lại các nhiễm trùng.

Nghỉ ngơi đầy đủ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi khi mắc bệnh. Ảnh minh họa

Theo WebMD, ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm khiến nguy cơ cảm lạnh tăng gấp 4 lần so với nhóm ngủ đủ giấc (ít nhất 7 giờ). Nếu bạn bị cảm lạnh nhưng khó ngủ vào ban đêm do ngạt mũi hoặc ho, bạn có thể sử dụng một số thuốc không kê đơn để giảm nhẹ triệu chứng. Ngoài ra, bạn có thể thử đi ngủ sớm hơn hoặc bù giấc ngủ đêm bằng giấc ngủ trưa.

2. Lạm dụng thuốc kháng sinh

Như đã nói ở trên thì cảm lạnh thường là do virus gây ra nên việc sử dụng kháng sinh không có tác dụng để điều trị hay rút ngắn thời gian mắc bệnh cảm lạnh của bạn. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh lúc này không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh sau này.

Giải pháp dùng thuốc khi bị cảm lạnh khá đơn giản, bạn chỉ nên sử dụng thuốc điều trị giảm nhẹ triệu chứng không kê đơn. Nếu triệu chứng nặng hơn hoặc bạn cảm thấy không khỏe, liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thuốc điều trị phù hợp.

Lạm dụng thuốc xịt thông mũi quá 3 ngày sẽ khiến tình trạng ngạt mũi tăng nặng hơn và có thể kèm theo sưng tấy niêm mạc mũi khi ngừng thuốc.

3. Không uống đủ nước

Khi cổ họng bị đau do cảm lạnh, mặc dù việc ăn uống sẽ khó khăn hơn nhưng giữ đủ nước sẽ góp phần làm loãng chất nhầy và giảm tắc nghẽn cũng như chống lại đau đầu.

Hãy chắc chắn rằng mình đã uống đủ nước khi bị cảm lạnh. Thay vì nước lọc, bạn có thể uống các loại trà ấm như trà thảo được hoặc nước súp nóng như súp gà để làm dịu họng và giảm kích ứng họng, góp phần giảm nhẹ cơn ho hay đau cổ họng.

Uống đủ nước giúp giảm tắc nghẽn và loãng chất nhầy khi mắc cảm lạnh. Ảnh minh họa

4. Bỏ bữa

Cảm giác mệt mỏi, đắng miệng và đau họng khi bị ốm khiến bạn không muốn ăn nhưng một trong những nguyên tắc quan trọng khi điều trị cảm lạnh nói riêng và bất kì vấn đề sức khỏe nào khác nói chung chính là bổ sung đa dạng dinh dưỡng cho cơ thể để chống lại nhiễm trùng.

Cụ thể, calo và các chất dinh dưỡng từ thực phẩm sẽ cung cấp năng lượng cho các tế bào miễn dịch trong việc tấn công virus gây cảm lạnh. Điều này thúc đẩy thời gian phục hồi của bạn cũng như giúp bạn cảm thấy khỏe hơn so với việc thiếu năng lượng khi bỏ bữa.

5. Caffeine, rượu và các chất kích thích

Caffeine và các chất kích thích như khói thuốc lá đều cần tránh khi bị cảm lạnh.

Caffeine khiến bạn "ảo giác" rằng mình đang khỏe hơn và tỉnh táo hơn nhưng với người bị cảm lạnh, caffeine khiến tăng cảm giác bồn chồn, khó ngủ - đồng nghĩa với thời gian hồi phục có thể kéo dài hơn.

Khi mắc cảm lạnh, cần tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, caffeine hay khói thuốc. Ảnh minh họa

Khói thuốc có thể làm tăng tổn thương phổi, đặc biệt là cơn ho và kích ứng cổ họng đang đau cũng như khiến các triệu chứng cảm lạnh trở nên tồi tệ và nghiêm trọng hơn.

Uống quá nhiều rượu cũng làm tăng nguy cơ mất nước và khiến tình trạng tắc nghẽn nặng hơn. Ngoài ra, rượu góp phần khiến hệ miễn dịch suy giảm và có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực nếu kết hợp với các loại thuốc chữa cảm lạnh mà bạn đang dùng.

6. Căng thẳng

Theo WebMD, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bạn, buộc nó phải làm việc chăm chỉ hơn. Trong khi đó, việc bị cảm lạnh đòi hỏi hệ miễn dịch phải tập trung làm việc cật lực để chống lại tác nhân gây nhiễm trùng.

Nói cách khác, bạn càng căng thẳng thì thời gian hồi phục khi mắc cảm lạnh càng kéo dài hơn. Hãy học cách thư giãn, hít thở sâu và nghỉ ngơi đầy đủ.

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bạn một cách tiêu cực. Ảnh minh họa

7. Lây lan vi trùng cảm lạnh ra xung quanh

Thường phải mất từ 2 - 3 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus cảm lạnh bạn mới bắt đầu bùng phát các triệu chứng cảm lạnh đầu tiên, thậm chí là tới 1 tuần. Nói cách khác, cảm lạnh dễ lây lan nhất cho người khác trong 2 - 3 ngày đầu khi bạn mắc bệnh và sau khoảng 1 tuần thì khả năng lây nhiễm sẽ giảm dần.

Virus cảm lạnh có thể tồn tại trong cơ thể người tới 3 tuần, biểu hiện dễ dàng nhận thấy là những cơn ho kéo dài - điều này cho thấy bạn vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Do vậy, để tránh lây nhiễm ra xung quanh, bạn cần phải che miệng khi ho hoặc hắt hơi, đồng thời rửa tay thường xuyên - ngay cả khi bạn đã đi làm hoặc đi học trở lại những vẫn còn các triệu chứng.