Áp xe vú là một trong những bệnh thường gặp ở mẹ sau sinh và cho con bú. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho cả mẹ và ảnh hưởng đến nguồn cung cấp sữa cho bé. Vì vậy các bà mẹ nuôi con nên tìm hiểu kỹ về căn bệnh này thông qua bài viết dưới đây.

1. Áp xe vú là gì?

Bệnh áp xe vú (áp xe tuyến vú) trong Đông y còn gọi  là chứng "nhũ nham" hoặc "nhũ ung", bệnh hay gặp nhất ở sản phụ trong thời kỳ cho con bú, đặc biệt là khi bé được 1-2 tháng tuổi.

Áp xe vú cũng có thể xảy ra ở người thừa cân, phụ nữ có bộ ngực lớn hoặc người vệ sinh cá nhân kém.

Đây là tình trạng viêm, sưng đỏ và xuất hiện mủ trong vú do vi khuẩn gây nên. Số ít trường hợp áp xe vú là dấu hiệu của bệnh ung thư vú.


Bệnh áp xe vú thường gặp ở mẹ sau sinh - Ảnh minh họa: Internet

2. Nguyên nhân áp xe vú

Nguyên nhân gây ra bệnh áp xe vú có thể do một số lý do sau:

Tắc tia sữa: Sữa mẹ được sản sinh ra từ nang sữa theo các ống dẫn sữa đổ về khoang chứa sữa nằm ở vị trí sau quầng vú. Thông thường khi bé dùng miệng bú thì sữa dễ dàng chảy ra ngoài.

Tuy nhiên trong trường hợp nếu dòng chảy của sữa có một lý do nào đó làm cho ống dẫn sữa bị hẹp hoặc bị bít lại khiến sữa không thể chảy ra ngoài được. Lúc này, tại chỗ bị tắc, lâu ngày sẽ hình thành các cục u do sữa đông kết lại. Tình trạng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra bệnh lý, làm cho hiện tượng tắc tia sữa ngày càng nặng gây ra áp xe vú.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như:

  • Mặc áo ngực quá chật
  • Cho con bú không đúng cách: Cho bé bú không đều cả 2 bên vú
  • Cho con  bú không đủ số lần, khiến sữa tích tụ lại trong vú
  • Núm vú bị trầy xước
  • Do mẹ không day đều 2 bầu sữa để thông tia sữa sau khi sinh
  • Mẹ không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ bú không hết
  • Có thể do mẹ bị cảm lạnh khiến sữa khó thông
  • Không lau rửa sạch sẽ đầu vú sau khi cho con bú,...

Trong một số trường hợp, áp xe vú có thể xảy ra mà không phải có các yếu tố trên. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết thêm về nguyên nhân gây bệnh.

Tắc tia sữa là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh áp xe vú - Ảnh minh họa: Internet

3. Biểu hiện, triệu chứng của áp xe vú

Biểu hiện của áp xe vú còn tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của bệnh và vị trí bị áp xe hoặc một số yếu tố khác.

Mẹ bị áp xe vú giai đoạn đầu có thể cảm thấy đau nhức trong vú, có thể mẹ không nhận thấy dấu hiệu bất thường ở vùng ngoài da bằng mắt nhưng bên trong lại đang hình thành ổ viêm nếu vị trí áp xe ở sâu bên trong tuyến vú. Nếu vị trí áp xe xuất hiện ngay bề mặt tuyến vú thì sẽ thấy dấu hiệu vùng da ngoài đỏ và sưng.

Mẹ bị áp xe vú giai đoạn thứ 2 - giai đoạn tạo thành áp xe, các triệu chứng tăng mạnh hơn so với giai đoạn đầu. Vùng da tại vị trí xuất hiện áp xe sẽ trở nên căng, nóng, đỏ và sưng kèm theo một số triệu chứng khác như ớn lạnh, sốt, buồn nôn và nôn,...

Mẹ bị áp xe giai đoạn thứ 3 - đây chính là giai đoạn nặng nhất nếu biến chứng hoại tử vú với các dấu hiệu như nhiễm độc, nhiễm khuẩn nặng: Cơ thể người mẹ bị tụt huyết áp, toàn thân mệt mỏi, vú sưng căng to và phù nề, da tại ổ áp xe có màu vàng nhạt hoặc da bị hoại tử, các hạch huyết sưng đau.

Ngoài ra, bạn có thể xuất hiện các dấu hiệu khác kèm theo mà chưa được đề cập ở trên.

Áp xe vú có thể khiến mẹ cảm thấy đau đớn vùng vú - Ảnh minh họa: Internet

4. Những biến chứng nguy hiểm khi bị áp xe vú

Bệnh áp xe vú nếu không được và phát hiện và điều trị không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm dưới đây:

  • Viêm xơ tuyến vú mạn tính do việc sử dụng dùng kháng sinh lâu dài
  • Viêm tấy tuyến vú: Vùng viêm bị khuếch tán rộng ra và thấm vào các mô. Lúc này mẹ sẽ bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn nặng, vùng thâm nhiễm không còn ranh giới rõ ràng.
  • Hoại thư vú: Biến chứng này xảy ra do vi khuẩn có độc tính cao hoặc trực khuẩn hoại thư gây ra. 
  • Ung thư vú: Bệnh ở giai đoạn áp xe hoặc giai đoạn viêm tấy, có thể đó là dấu hiệu của ung thư vú thể cấp dạng viêm, một người mẹ có thể bị ung thư vú cả 2 bầu ngực 1 lúc. Lúc này vú sẽ to ra nhanh nhưng không gây đau đớn, sức khỏe toàn thân xuống cấp nhanh, nếu tiến hành xét nghiệm bằng phương pháp chọc hút hoặc sinh thiết sẽ cho kết quả thấy sự xuất hiện của tế bào ung thư.
Bệnh áp xe vú nếu không được và phát hiện và điều trị không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm - Ảnh minh họa: Internet

5. Cách chữa trị bệnh áp xe vú

Trường hợp áp xe nhẹ hoặc mới chớm bị:

Khi thấy xuất hiện một số dấu hiệu nhẹ như xuất hiện các cục sữa đông kết, không gây đau đớn hay kèm theo các triệu chứng khác, mẹ hãy làm một số cách sau để làm tan các cục sữa:

Massage bầu ngực đều đặn và thường xuyên mỗi ngày

Chườm nóng: Nếu bị nhẹ mẹ có thể tự chườm nóng ở nhà bằng cơm nóng bọc trong tấm vải hoặc khăn sạch, trường hợp nặng hơn mẹ có thể đến bệnh viện để được chiếu đèn, độ nóng của đèn chiếu sẽ làm mẹ dễ chịu hơn.

Kết hợp việc massage bầu ngực, chườm nóng, cho con bú đủ bữa mỗi ngày, áp xe thể nhẹ sẽ nhanh khỏi.

Trường hợp áp xe vú nặng:

Mẹ nên đến bệnh viện ngay

Uống thuốc và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ

Trường hợp không đỡ thì cần phải thực hiện tiểu phẫu để tháo mủ

Trường hợp bị tiểu phẫu:

Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật chích nặn mủ các ổ áp xe vú

Có thể mẹ sẽ được gây tê tại chỗ để chích ổ áp xe theo đường nan hoa và tiến hành tháo mủ. 

Hướng dẫn massage vú đúng cách - Ảnh minh họa: Internet

6. Một số mẹo dân gian giúp chữa tắc tia sữa hiệu quả

Tắc tia sữa là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh áp xe vú, vì vậy nếu mẹ sau sinh thấy sữa khó tiết hoặc tiết rất ít, không đều thì có thể thực hiện một số cách sau đây để thoát khỏi tình trạng này:

Chườm nước nóng: Dùng chai nước nóng hoặc túi chườm để chườm vú

Massage bằng tay: Dùng 2 tay ép 2 bầu vú vào nhau, day nhẹ nhàng theo vòng tròn khoảng 20-30 lần sẽ giúp làm tan sữa đông kết nhanh chóng.

Đắp lá bắp cải: Lấy lá bắp cải sạch hơ lên bếp lửa cho nóng, sau đó để vào khăn bọc lại và đắp lên 2 bầu ngực, kết hợp với việc massage sẽ giúp nhanh thông tia sữa,...

Chữa tắc tia sữa góp phần tránh gây ra hiện tượng áp xe vú - Ảnh minh họa: Internet

7. Cách phòng tránh bệnh áp xe vú

Để phòng tránh áp xe vú hình thành, mẹ sau sinh nên lưu ý một số việc sau:

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Trước khi cho trẻ bú hoặc bú xong mẹ nên lau sạch 2 đầu vú.
  • Cho bé bú đúng cách: Vắt bỏ vài giọt sữa đầu và cho trẻ bú như bình thường. Cho bé bú đều cả 2 bên vú. Tránh thói quen mẹ hay nằm nghiêng chỉ cho bé 1 bên vào ban đêm.
  • Thường xuyên massage vú. 
  • Cho bé bú cạn bầu sữa bên này sau đó mới cho bé bú bên còn lại: Nếu bé không bú hết thì mẹ nên vắt sữa ra để trữ đông, có thể sử dụng được trong vòng 6 tháng. Tránh để sữa thừa trong vú có thể gây đông kết dẫn đến áp xe.
  • Tránh làm xây xát hoặc tổn thương đầu núm vú: Không để bé day, cắn núm vú.
  • Mẹ nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và Vitamin sau sinh: Các chất kháng sinh tự nhiên có trong thực phẩm sẽ giúp mẹ tăng cường sức đề kháng, phòng tránh vi khuẩn tấn công.
  • Nhờ chồng hoặc người thân thay phiên chăm bé: Mẹ hạn chế thức khuya và nghỉ ngơi hợp lý.

Trên đây là một số thông tin mẹ cần biết về bệnh áp xe vú. Mẹ hãy lưu ý nếu không may mắc phải hoặc mẹ nên biết cách phòng tránh bệnh một cách hiệu quả, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.