Hội chứng có liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố và kháng insulin ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và là một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến nhất ở phụ nữ. Nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin D liên quan đến chức năng rụng trứng và tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản.
Thiếu vitamin D gây hại như thế nào?
BS. Phương Uyên cho biết, thiếu vitamin D hiện được coi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến 67 - 85% phụ nữ mang hội chứng buồng trứng đa nang. Thiếu vitamin D có thể góp phần vào sinh bệnh học của hội chứng buồng trứng đa nang bằng cách thúc đẩy cơ chế kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, béo phì, và các bệnh tim mạch.
Một phần, insulin là một nội tiết tố quan trọng giúp kiểm soát lượng glucose trong cơ thể và chuyển hóa glucose trong máu vào tế bào.Khi các mô trong cơ thể có sự đề kháng với các tác động của insulin, làm khả năng sử dụng insulin có thể bị gián đoạn, tuyến tụy sẽ tiết ra nhiều insulin hơn để thúc đẩy quá trình cung cấp đường cho tế bào.
Lượng insulin dư thừa này có thể tác động xấu đến buồng trứng bằng cách tăng sản xuất androgen, dẫn đến trì hoãn sự phát triển của nang trứng, làm giảm khả năng rụng trứng của buồng trứng và kinh nguyệt có thể bị gián đoạn.
Thiếu vitamin D lâu dài còn làm tăng sản xuất nội tiết tố tuyến cận giáp (PTH), tăng nồng độ testosterone tự do, có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi nội bào góp phần gây rối loạn chức năng rụng trứng và tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản.
Nhiều nghiên cứu trên người và động vật cho thấy vitamin D có liên quan đến chức năng sinh sản ở cả phụ nữ và nam giới, một phần do các thụ thể vitamin D và các enzyme chuyển hóa vitamin D đã được tìm thấy trong các mô sinh sản ở người. Một số bằng chứng khoa học còn cho thấy mối liên quan giữa vitamin D và các chỉ thị dự trữ buồng trứng.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa androgen cũng như trao đổi chất và quá trình sinh sản ở phụ nữ mang hội chứng buồng trứng đa nang. Không chỉ vậy, thiếu vitamin D còn có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, như loãng xương, bệnh tim, một số bệnh ung thư và bệnh đa xơ cứng, các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao và thậm chí là cúm theo mùa.
Việc bổ sung vitamin D có thể là một yếu tố cần thiết trong việc tìm hiểu, điều trị các rối loạn và biến chứng ở đối tượng mang hội chứng buồng trứng đa nang, nhằm ngăn ngừa hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng bổ sung vitamin D có thể làm giảm nồng độ androgen, tăng độ nhạy insulin và góp phần cải thiện quá trình mang thai của phụ nữ mang hội chứng buồng trứng đa nang.
Nguồn cung cấp vitamin D
Vitamin D vừa là được cung cấp từ các chất dinh dưỡng chúng ta ăn vào vừa là nội tiết tố mà cơ thể chúng ta tạo ra. Rất ít thực phẩm trong tự nhiên chứa vitamin D. Các nguồn tốt bao gồm các sản phẩm sữa và ngũ cốc ăn sáng (cả hai đều được bổ sung vitamin D). Thịt của cá béo (như cá hồi, cá ngừ và cá thu) và dầu gan cá cũng là một trong những nguồn tốt nhất. Một lượng nhỏ vitamin D được tìm thấy trong gan bò, phô mai và lòng đỏ trứng.Một số loại nấm cung cấp vitamin D với số lượng khác nhau.
Cơ thể cũng sản xuất vitamin D từ cholesterol, thông qua một quá trình được kích hoạt bởi tác động của ánh nắng mặt trời lên da, do đó biệt danh của nó là vitamin ánh nắng mặt trời. Một số người không tạo ra đủ vitamin D từ mặt trời, bao gồm: những người có một tông màu da tối hơn, những người thừa cân, những người lớn tuổi và che chắn quá kỹ khi đi trong ánh mặt trời vào lúc sáng sớm (6g - 8g).
Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovarian syndrome – PCOS) được chẩn đoán khi bệnh nhân có 2 trong 3 tiêu chuẩn sau:
Rối loạn phóng noãn: kinh thưa, kinh không đều và/hoặc vô kinh.
Cường androgen trên lâm sàng như rậm lông, mụn trứng cá viêm trung bình - nặng, béo phì, tăng testosterone dai dẳng trên mức người trưởng thành,
Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.
Hiện tại, có cuộc tranh luận khoa học về việc mỗi người cần bao nhiêu vitamin D mỗi ngày? Viện Nghiên cứu Y học Mỹ (The Institute of Medicine), trong một báo cáo phát hành năm 2010, các chuyên gia khuyến nghị nên tăng gấp ba lượng vitamin D hàng ngày cho trẻ em và người lớn, lên tới 600 IU mỗi ngày. Đối với sức khỏe xương và phòng ngừa bệnh mạn tính, nhiều người có thể cần nhiều vitamin D hơn nữa.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ở Việt Nam, nhu cầu khuyến nghị về Viatmin D năm 2007 là 200 IU/ngày ở trẻ em và người trưởng thành (kể cả phụ nữ có thai và cho con bú), 400 IU/ngày ở người 51- 60 tuổi, và 600 IU/ngày với người > 60 tuổi.
Nhưng bằng chứng từ những nghiên cứu dịch tễ học ở người Việt Nam gần đây cũng cho thấy, tỷ lệ thiếu Vitamin D ở người Việt Nam trong những năm qua rất cao so với các nước xung quanh, ở tất cả các lứa tuổi và tình trạng sinh lý.
Vì vậy, Bảng nhu cầu khuyến nghị về Vitamin D lần này đã cập nhật theo khuyến nghị của Viện Nghiên cứu Y học Mỹ năm 2011, trong đó, nhu cầu Vitamin D ở trẻ < 1 tuổi là 400 IU/ngày, ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên và người trưởng thành < 50 tuổi là 600 IU/ngày, ở người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là 800 IU/ngày.