Lưỡi là cơ quan vị giác nằm trong khoang miệng; ngoài việc giúp bạn nuốt và nếm thức ăn thì lưỡi như một “ảnh chụp nhanh” phản ánh về tình trạng sức khỏe tổng thể. Một số bệnh được thể hiện qua lưỡi như lưỡi đỏ, bóng thì trong cơ thể mắc bệnh thương hàn; lưỡi trắng, bự thì bệnh tiêu hoá; lưỡi nhẵn chứa các nhú vị giác thì cơ thể bị thiếu máu …

Lưỡi khỏe mạnh có màu hồng, sạch và bao phủ trong các gai thịt chứa nụ vị giác. Tuy nhiên, lưỡi đỏ tấy và đau hoặc lưỡi màu đỏ, đen hay trắng đều là cảnh báo dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm mà bạn không nên xem thường.

Lưỡi nói gì về sức khỏe của bạn? Ảnh minh họa: Internet

1. Bệnh tiểu đường

Nấm miệng thường gặp ở những người bị tiểu đường nhưng lại không điều trị hoặc bệnh không được kiểm soát tốt. Nấm miệng là một tình trạng mà trong đó các loại nấm Candida albicans tích tụ trên niêm mạc miệng, trông giống như một lớp phủ màu trắng kem trên lưỡi.

Bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương hệ thần kinh tự chủ, làm giảm tiết nước bọt và gây khô miệng. Chứng khô miệng làm tăng nguy cơ bị sâu răng cũng như bệnh về nướu. Các triệu chứng bao gồm: cảm giác khô trong miệng, lưỡi; khô nứt môi; lở miệng; gặp khó khăn khi nhai, nuốt hoặc nói chuyện.

2. HIV

Lớp màu trắng bao phủ trên lưỡi trong bệnh nấm miệng có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất của tình trạng nhiễm khuẩn.

Cũng giống như bệnh tiểu đường, hệ miễn dịch bị suy yếu do nhiễm HIV hoặc AIDS sẽ khiến cơ thể khó chống lại các vi sinh vật và các loại nấm gây bệnh như nấm men.

Tình trạng sưng đỏ ở lưỡi và các vị trí khác ở trong miệng hoặc sự phát triển trông giống như những sợi lông trắng ở cạnh lưỡi cũng có thể là dấu hiệu của bệnh HIV/AIDS.

3. Bệnh Celiac

Bệnh Celiac là một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten, một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen.

Các triệu chứng đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, chướng bụng và đau bụng là những triệu chứng điển hình của bệnh Celiac. Bệnh này có thể khiến bạn bị rụng lông trên lưỡi và gây ra các chấm nhỏ trên lưỡi của bạn.

Tình trạng này được gọi là viêm teo lưỡi (atrophic glossitis) làm thay đổi vị giác của bạn và gây đau đớn. Bất cứ loại thực phẩm nào có chứa quá nhiều acid, nhiều gia vị hoặc có chứa cồn đều có thể gây ra phản ứng đau.

Bệnh Celiac có thể khiến lưỡi bạn bị rát hoặc bị khô. Tình trạng này cũng dẫn đến việc thường xuyên lở loét ở lưỡi hoặc các phần khác trong khoang miệng.

4. Hội chứng Sjogren

Hội chứng Sjogren là một rối loạn hệ thống miễn dịch gây viêm tuyến nước mắt (tuyến lệ), nước bọt và các chất khác. Bệnh có thể dẫn đến tình trạng khô mắt, khô miệng dẫn đến nấm miệng.

Khi cơ thể bạn không có đủ nước bọt và lượng enzim cần thiết, lượng nấm vốn có trong cơ thể sẽ tăng lên. Các đốm trắng của tình trạng nấm miệng xuất hiện, lưỡi trở nên đỏ và mịn hơn nếu các lông trên lưỡi biến mất.

Một số người mắc hội chứng Sjogren còn có cảm giác bỏng rát và nứt lưỡi.

5. Ung thư

Khám Nha khoa định kỳ là cách tốt nhất giúp bạn sớm phát hiện những chứng bệnh về khoang miệng. Ảnh minh họa: Internet

Nha sĩ có thể sẽ là người đầu tiên phát hiện ra bạn bị ung thư, đặc biệt là ung thư vùng khoang miệng.

Bất cứ tình trạng sưng nào trên lưỡi (hoặc bất cứ vị trí nào trong khoang miệng) kéo dài trên 2 tuần đều nên được kiểm tra. Bệnh bạch sản (leukoplakia) có thể khiến lưỡi xuất hiện những mảng trắng và khiến các tế bào trong miệng tăng sinh một cách không kiểm soát.

Bệnh bạch sản nhẹ thường không gây hại và có thể tự biến mất. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể liên quan đến ung thư miệng nên cần điều trị kịp thời. Bệnh thường gặp ở những người bị ung thư biểu mô tế bào vảy liên quan đến HPV.

6. Thiếu vitamin

Một chiếc lưỡi bình thường khỏe mạnh sẽ có màu đỏ hồng. Lưỡi có màu đỏ nhạt có thể là dấu hiệu của việc thiếu acid folic, vitamin B12 hoặc sắt. Thông thường, những tình trạng này có thể được điều trị bằng việc sử dụng thực phẩm chức năng hoặc thay đổi chế độ ăn.

Lưỡi có màu đỏ nhợt nhạt cũng có thể là dấu hiệu của việc bị viêm họng hoặc bệnh Kawasaki - căn bệnh gây viêm ở một vài mạch máu và thường gặp ở trẻ nhỏ.

7. Căng thẳng

Lở loét miệng (canker sore) do căng thẳng không nên nhầm lẫn với tình trạng rộp miệng (cold sore) gây ra bởi virus. Lở loét miệng có thể xuất hiện trên lưỡi hoặc ở các phần khác trong miệng.

Nếu bạn bị lở loét miệng, hãy thử súc miệng với nước muối ấm và tránh những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, hãy lựa chọn các loại thực phẩm mềm và mát, ví dụ như sữa chua. Sưng trên lưỡi cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn hay nghiến răng hoặc cắn phải lưỡi.

Hãy giảm căng thẳng bằng việc luyện tập thể thao, tập yoga hoặc ngồi thiền. Khi ăn  bạn cần ăn chậm nhai kĩ, điều này sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa của bạn.