1. Không có thói quen nói "Mẹ/Bố yêu con"

"Mẹ/Bố yêu con", một câu nói đơn giản chỉ gồm 3 từ nhưng lại bị các bậc phụ huynh tiết kiệm đến khó tin. Điều này lại càng phổ biến ở các ông bố bà mẹ Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng, những người thường không có thói quen bày tỏ tình cảm. Họ không biết rằng, với con trẻ, cảm giác biết mình được yêu thương là một món quà vô giá. Bạn có thể cho chúng biết điều đó thông qua cả hành động lẫn ngôn từ. Hãy nói với chúng rằng bạn yêu chúng. Hãy để chúng nghe được những từ ngữ kỳ diệu đó. Điều này cũng đúng với cả những đứa trẻ đã lớn - không bao giờ là quá muộn để nói bạn yêu con cả.

2. Kết nối

Hãy dành ra ít nhất 10 phút đặc biệt mỗi ngày cho mỗi đứa con, dù cha mẹ bận đến mức nào. Hãy gọi đó là “thời gian hạnh phúc”, để tìm hiểu một ngày của con bạn đã trôi qua như thế nào, ngày mai con bạn dự định sẽ làm gì, hãy cố gắng hiểu những tâm sự, những ước mơ của chúng. Vào khoảng thời gian này, cha mẹ hãy tắt điện thoại và quẳng hết công việc đi bởi 90% tương tác với con bạn sẽ làm nên 10% sự thấu hiểu giữa 2 bên.

3. Chụp ảnh mọi thứ và giả vờ như đang có những khoảnh khắc tuyệt vời với con

Chụp ảnh là một cách để lưu lại những khoảnh khắc hay kỉ niệm của con và cả gia đình. Thế nhưng, ngày nay, nhiều bậc phụ huynh đã quá lạm dụng hình thức này và chụp ảnh mọi lúc mọi nơi. Không ai cấm bạn làm việc đó nhưng đôi khi hãy cất điện thoại hay máy ảnh đi bởi cái mà con bạn muốn chính là được cùng bạn trải qua những giây phút thực sự hạnh phúc cùng bố mẹ chứ không phải là những bức ảnh.

Cũng là những bức ảnh, nhiều ông bố bà mẹ chụp lại những đứa con của mình, đăng tải lên mạng xã hội và tỏ ra đang có những khoảnh khắc tuyệt vời với con. Bạn làm điều đó như một thói quen, như là một cách để cho cả thế giới biết bạn gắn bó với con và bạn làm điều đó chỉ vì bản thân bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, trẻ con trong sáng nhưng cũng vô cùng nhạy cảm. Trẻ cảm nhận được bạn đang không cùng mối quan tâm với chúng. Dần dà điều này sẽ khiến trẻ không còn có nhu cầu chia sẻ với bạn các vấn đề của chúng nữa.

4. Chấp nhận những giọt nước mắt

Một phần trong trách nhiệm của cha mẹ là giúp con trẻ quản lý được cảm xúc của mình, và có những khi chúng cần khóc dù là bé trai hay bé gái. Đôi khi trẻ khóc, bạn phải nhanh chóng giúp chúng bình tĩnh lại, có những khi ngược lại hãy để chúng được khóc. Cảm xúc, như đau đớn và tức giận, không nguy hiểm. Nếu bạn thấy con bạn trở nên cáu kỉnh hoặc hung hăng, hãy dành một phút để thừa nhận sự bực mình của trẻ, đây là lúc trẻ cần sự đồng cảm. Nhiệm vụ của bạn là giúp con cảm thấy an toàn, đủ để thể hiện những cảm xúc to lớn, sợ hãi - và thậm chí hãy để cho trẻ được “tổn thương” trong sự an toàn của cánh tay cha mẹ.

5. Dè bỉu người khác và chính mình

Thói quen này với ai cũng rất khó sửa. Chúng ta dễ dàng chỉ trích một người mẹ quát mắng con cái ầm ĩ ở quầy thanh toán siêu thị hay bĩu môi trước một ông bố cho con thức khuya quá 11h mà quên mất rằng con mình đang chứng kiến hành động đó. Nhiều lần như thế, trẻ con cũng sẽ nhanh chóng học theo hành động này, cho rằng mình luôn đúng và được quyền phán xét người khác. Vì vậy thay vì tập trung năng lượng vào việc mắng mỏ cái sai của người khác, hãy chỉ cho con mình thấy những điều đáng học hỏi ngay xung quanh trẻ.

Không chỉ chỉ trích người khác, nhiều bố mẹ còn có thói quen tự khiển trách bản thân mình bằng những ngôn từ không lấy gì làm dễ nghe. "Trời ơi, mình ngu quá!" là một thí dụ. Ai cũng có những lúc sai lầm nhưng hãy cân nhắc khi bạn tự mắng mỏ, trách móc mình quá tiêu cực, nhất là khi bọn trẻ đang ở gần đó và có thể nghe được.

Trẻ con luôn tin rằng bố mẹ chúng là những người tuyệt vời nhất và tìm kiếm sự an toàn, thoải mái từ bố mẹ. Vì vậy, chúng sẽ cảm thấy ra sao nếu biết bố hoặc mẹ chúng cảm thấy tự ti về mình dù chỉ là trong một tích tắc? Và nếu như chúng phải nghe những lời tự ti đó một cách thường xuyên, đừng bất ngờ nếu bạn thấy chúng cũng bắt đầu nói những lời tương tự về bản thân. Vì vậy các ông bố bà mẹ hãy trân trọng bản thân mình và bỏ thói quen này ngay nhé!

6. Không ngừng chỉ trích trẻ

Chắc hẳn nhiều người đã quen thuộc với những câu nói như: "Con nhà người ta thế này, con nhà người ta thế kia, sao mày không bằng một góc?", "Mày mà không lo học hành thì sau này cũng chỉ là đồ bỏ đi!", "Biết đẻ ra một đứa như mày, tao thà đẻ ra quả trứng còn hơn",… Việc thường xuyên phải đối mặt với những chỉ trích này sẽ tạo áp lực tâm lý cho trẻ khiến các em phải cố gắng để đáp ứng đúng mong đợi của bố mẹ chứ không phải vì sở thích hay mong muốn của trẻ.