Viêm da cơ địa ở trẻ em là một trong những căn bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Đây là căn bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng trẻ em lại chiếm số đông.

1. Viêm da cơ địa là gì?

Bệnh viêm da cơ địa còn có tên gọi khác là chàm da, chàm sữa, là một dạng bệnh do da bị viêm dị ứng. Bệnh thường kéo dài dai dẳng từ lúc trẻ còn nhỏ cho đến khi lớn lên. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nhưng lại làm cuộc sống của bé cực kì bất tiện và khó chịu, trẻ có thể ăn không ngon, ngủ không yên vì ngứa, da xấu xí, mất thẩm mỹ.

Bệnh được chia thành 2 cấp độ: Viêm da cơ địa cấp tính và mãn tính. Cách phân biệt 2 cấp độ bệnh như sau:

Bệnh viêm da cơ địa cấp tính: Xuất hiện những nốt ban đỏ có hình tròn, có hiện tượng bong tróc da, có mụn nước, bị phù nề, trẻ vô cùng ngứa ngáy.

Bệnh viêm da cơ địa mãn tính: Xuất hiện những nốt sẩn đỏ, sần và dày, hiện tượng bong vảy, chảy nước vàng và rối loạn sắc tố da.

Bệnh viêm da cơ địa còn có tên gọi khác là chàm da, chàm sữa - Ảnh minh họa: Internet

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em

Theo một nghiên cứu, có đến 60% trẻ sơ sinh đến một tuổi mắc phải bệnh viêm da cơ địa. Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh cũng là một căn bệnh phổ biến. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ:

  • Do thời tiết thay đổi: Thời tiết chuyển đột ngột từ nóng sang lạnh, đặc biệt là mùa đông, trẻ rất dễ mắc bệnh.
  • Do cơ địa: Những trẻ có cơ địa bị dị ứng, nếu gặp phải tác nhân gây viêm da sẽ phát triển thành bệnh viêm da cơ địa dị ứng cấp tính và mãn tính.
  • Do yếu tố di truyền: Nếu cha hoặc mẹ của trẻ đã từng bị viêm da, chàm thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Có đến 60% trẻ sơ sinh đến một tuổi mắc bệnh viêm da cơ địa - Ảnh minh họa: Internet 

3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm da cơ địa

Che mẹ thường nhầm lẫn bệnh viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ với một số bệnh ngoài da thông thường khác như rôm sảy, mẩn ngứa, dị ứng,... Trẻ có thể bị viêm da cơ địa ở tay hoặc viêm da cơ địa ở mặt hoặc ở nhiều vị trí khác trên cơ thể. 

Do bệnh có thể kéo dài trong nhiều năm liên tục nên cha mẹ phải để ý, theo dõi con mới có thể kết luận chính xác được. Để giúp cha mẹ phát hiện sớm bệnh viêm da cơ địa, dưới đây là một số dấu hiệu, bố mẹ có thể dựa vào để nhận biết:

  • Khi mới lọt lòng, da của bé đã có dấu hiệu bị nhám và khô. Đặc biệt là những vị trí như mặt, đầu gối, mắt cá chân, bụng.
  • Giai đoạn trẻ được 3-6 tháng tuổi, ở mặt và 2 bên má của bé lúc đầu sẽ xuất hiện các mảng đỏ phồng, sau đó những mảng da này khô lại, rỉ nước và bị trầy khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy.
  • Giai đoạn 6 tháng-1 tuổi: Các dấu hiệu trên sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, tuy nhiên khi bé lớn hơn, hệ miễn dịch cũng đã tốt hơn nên bệnh sẽ giảm dần đi khi đến tầm 1 tuổi. 
  • Giai đoạn 1-2 tuổi: Tình trạng bệnh thuyên giảm hoặc còn rất ít
  • Giai đoạn trẻ 3 tuổi: Bệnh viêm da cơ địa của trẻ hầu như biến mất hoàn toàn.

Viêm da cơ địa khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu -  Ảnh minh họa: Internet

4. Cách chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa

Bố mẹ không nên lạm dụng các biện pháp dân gian, bôi thuốc mỡ và các loại thuốc mua ở hiệu thuốc Tây vì chúng có thể khiến cho bệnh càng trở nên trầm trọng hơn vì da bị nhiễm trùng.

  • Nếu được chăm sóc da cho trẻ tốt thì bệnh sẽ tự khỏi theo thời gian. Cha mẹ nên giữ ẩm cho da của bé, nếu để da trẻ bị khô thì bệnh càng phát triển mạnh và bé cảm thấy ngứa hơn. Nếu da bé được cung cấp độ ẩm tốt sẽ giúp da trở nên mềm hơn, trẻ bớt cảm thấy ngứa và khó chịu.
  • Nếu bố mẹ lựa chọn các loại kem dưỡng da, giữ ẩm cho bé thì nên lưu ý chọn sản phẩm dành cho da mẫn cảm của bé, không nên chọn các sản phẩm có mùi thơm.
  • Trước khi cho bé mặc quần áo, phải luôn đảm bảo được giặt và phơi khô sạch sẽ.
  • Với thể trạng của những bé bị viêm da cơ địa nặng thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngày từ những dấu hiệu đầu tiên.  Các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.
  • Cha mẹ lưu ý thêm đó là không nên lạm dụng, tự ý mua thuốc kháng viêm điều trị viêm da cơ địa vì điều này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ khi lớn lên. 
 Cha mẹ nên giữ ẩm cho da của bé thật tốt khi bị bệnh để giúp bé giảm ngứa - Ảnh minh họa: Internet
  • Nếu tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ ở thể nhẹ, mẹ có thể chọn cách tắm lá trầu cho trẻ tại nhà để giảm ngứa cho bé theo hướng dẫn dưới đây.

5. Viêm da cơ địa tắm lá gì?

Mẹ nên chọn lá trầu không để làm nước tắm cho trẻ khi bé bị viêm da cơ địa. Lá trầu không có các hoạt tính giúp sát khuẩn, tiêu viêm, diệt trùng hiệu quả. Lá trầu không được xem như một loại kháng sinh tự nhiên và mạnh mẽ, ức chế các loại vi khuẩn nguy hiểm và nấm ký sinh, tiêu diệt mầm mống gây ra viêm da cơ địa ở trẻ em. 

Vì vậy, việc sử dụng lá trầu không là một trong những cách được nhiều người sử dụng mang lại hiệu quả tốt mà không gây tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bé.

Mẹ có thể dùng lá trầu không để điều trị viêm da cơ địa của bé bằng một trong các cách dưới đây.

Mẹ có thể sử dụng lá trầu không để tắm cho bé khi bị viêm da cơ địa - Ảnh minh họa: Internet

Tắm nước lá trầu không

  • Lấy 3-5 lá trầu không rửa sạch với nước muối, cắt thành từng miếng nhỏ.
  • Mẹ cho vào một cái nồi, cho nước vào cùng và đun sôi một lúc thì tắt bếp.
  • Chắt lấy nước pha thêm nước sạch để tắm cho trẻ, còn bã trầu thì dùng để đắp cho trẻ sau khi tắm xong.
  • Thực hiện thường xuyên sẽ giúp trẻ giảm triệu chứng ngứa ngáy và vùng da bị viêm.

Bôi lá trầu không

  • Mẹ lấy khoảng 2-3 lá trầu không rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng tầm 10-15 phút để loại bỏ vi khuẩn, bước cuối cùng là rửa lại với nước ấm.
  • Vò nát lá trầu không và đắp trực tiếp lên những mảng da bị viêm cơ địa, 
  • Ngoài ra mẹ cũng có thể giã nhỏ lá trầu không, đổ nước nóng vào, ngâm khoảng 10-25 phút, sau đó chắt lấy nước, bỏ bã.
  •   Sử dụng tăm bông hoặc bông gòn thấm nước lá trầu không bôi nhẹ nhàng lên vùng da bị viêm của trẻ, để nước khô tự nhiên.
  • Mẹ nên bôi cho trẻ vào buổi tối, khi trẻ đi ngủ và rửa lại thật sạch vào sáng hôm sau.

6. Cách phòng tránh bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em

  • Luôn giữ gìn môi trường sống xung quanh bé một cách sạch sẽ, thoáng mát.
  • Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ hằng ngày, tắm rửa và thay quần áo mỗi ngày, mặc quần áo mềm mại giúp da trẻ thoát mồ hôi dễ dàng.
  • Để nhiệt độ trong nhà luôn thoáng mát, hạn chế để bé đổ nhiều mồ hôi thường xuyên.
  • Không sử dụng các loại sữa tắm, dầu gội hóa học trong  quá trình trẻ mắc bệnh vì điều này sẽ làm trẻ bị nặng hơn và kéo dài dai dẳng.
Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ hằng ngày, tắm rửa và thay quần áo mỗi ngày để phòng bệnh viêm da cơ địa - Ảnh minh họa: Internet
  • Nhiều bố mẹ cũng thắc mắc trẻ bị viêm da cơ địa kiêng ăn gì và nên ăn gì? Nếu trẻ sơ sinh đang bú mà mẹ phát hiện bé bị dị ứng với các loại hải sản như tôm, cua, cá, trứng,... thì mẹ không nên ăn nhóm thực phẩm này. Tương tự, với trẻ đã đến tuổi ăn dặm, mẹ nên kiêng những thực phẩm trên cho bé.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em cũng như cách chăm sóc và phòng tránh bệnh cho bé. Là cha mẹ, nên nắm rõ kiến thức này để áp dụng cho con của mình nếu không may trẻ mắc phải.